.

Thời gian không đợi

Lòng yêu nước không phải là của riêng ai. Năm châu bốn bể, những tấm gương về lòng yêu nước không thiếu nhưng nói đến lòng yêu nước, xả thân vì nước thì người Việt Nam có quyền tự hào với bất cứ dân tộc, đất nước nào. Chưa ở đâu như trên dải đất hình chữ S này, chiến tranh chồng lên chiến tranh, hy sinh chồng lên hy sinh, người mẹ sinh con ra vừa phải dạy con vừa làm lụng vừa cầm súng.

Chưa kể từ chiều sâu lịch sử, chỉ tính trong thế kỷ  20 thôi, đã có ít nhất 3 lớp người đóng góp xương máu cho đất nước, đó là những thế hệ đứng lên đập tan gông xiềng nô lệ giành độc lập-tự do; những thế hệ đánh đuổi thực dân Pháp; những thế hệ đánh đuổi đế quốc Mỹ và bọn đánh thuê để giữ độc lập, tự do. Chưa ở đâu trên thế giới này nhiều bà mẹ anh hùng, nhiều thương binh, liệt sĩ như ở Việt Nam và trên đất nước Việt Nam, chưa ở đâu nhiều thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ VNAH như miền Trung, trong đó tiêu biểu là Quảng Nam, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi...  Đời đời cháu con tự hào và mắc nợ với thế hệ cha anh, hết lớp này đến lớp khác, ròng rã gần một thế kỷ, đã xả thân vì Tổ quốc.

Niềm tự hào và mặc cảm mắc nợ ấy càng được nhân lên nhiều lần vì sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh còn kéo dài  mấy chục năm sau chiến tranh. Đất nước còn nghèo, chiến tranh khốc liệt đòi hỏi các anh, các chị không chỉ hy sinh cuộc sống mà còn phải tiếp tục hy sinh cả sau khi đã mất hay thương tật. Cuộc chiến tranh gần nhất đã qua hai chục năm, cuộc chiến tranh xa nhất đã qua trên 60 năm nhưng hài cốt  hàng vạn liệt sĩ còn  rải rác đâu đó trong lòng đất, chưa quy tập được. Năm tháng trôi qua, nhiều anh chị em thương binh đã già, đã mất nhưng số còn sống với thương tật chiến tranh, với đời sống chật vật còn nhiều.

Do nước còn nghèo, việc tôn vinh Bà mẹ VNAH có phần chậm nhưng khi mới phong tặng, số mẹ VNAH còn con số vạn, nay chỉ còn  chưa tới hai nghìn. Đó là mới tính những người trong diện chính sách đền ơn đáp nghĩa. Ngoài số thương binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ VNAH, chúng ta còn hàng triệu thanh niên xung phong, dân quân du kích, những người có công với cách mạng và kháng chiến; hàng triệu nạn nhân chất độc da cam chưa được chăm nom tương xứng với công lao của họ. Cùng với những đối tượng trên, còn phải kể đến thế hệ cháu, chắt các liệt sĩ đang gặp nhiều khó khăn trong ăn mặc, học hành, việc làm…

Những việc kể trên và nhiều việc cần làm nữa đang chờ đợi  chúng ta để đền đáp công lao của những người đã đóng góp cả cuộc đời mình cho Tổ quốc. Đền ơn đáp nghĩa là việc lâu dài, nhưng có nhiều việc cần làm khẩn trương bởi thời gian không đợi. Chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ; nuôi dưỡng chu đáo các thương binh nặng đã tuổi già sức yếu; phụng dưỡng chu đáo các Bà mẹ VNAH vào những năm tháng cuối đời của họ; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên các chiến trường để người chết mồ yên mả đẹp, người sống được an ủi phần nào; giải quyết khẩn trương các vấn đề thuộc chính sách; chăm sóc các nạn nhân chất độc da cam và đẩy nhanh cuộc đấu tranh đòi công lý cho họ… là những việc cần làm ngay đó bởi chỉ vài chục năm nữa thôi, các thế hệ cháu con chỉ còn có thể nhớ ơn mà không còn điều kiện đền ơn.

THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.