.

Tiết kiệm - cần giải pháp cụ thể

Chưa bao giờ đất nước cần đến sự tiết kiệm “toàn dân, toàn diện, trường kỳ” như hiện nay. Cái lợi là đủ đường: Tiết giảm lạm phát, hạn chế chảy máu ngoại tệ, giảm bức xúc xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, tăng sức vượt khó cho đồng lương eo hẹp của các gia đình nghèo… Giải pháp phải có đủ cho cả ngắn hạn và dài hạn.

Về ngắn hạn:

1- Bộ Giao thông-Vận tải, Tổng cục Cảnh sát và các địa phương cần phối hợp rà soát lại toàn bộ hệ thống biển báo trên mọi con đường, nhất là các thành phố, thị xã. Rất nhiều thành phố ở ngã ba, ngã tư có thể cho phép xe lưu thông đi thẳng hoặc rẽ phải, ví dụ như ngã tư Chợ Cồn (Đà Nẵng), đi từ đường Hùng Vương sang Ông Ích Khiêm, đã có con lươn ngăn đường, tức là đường một chiều… Mỗi cái đèn đỏ vô lý đó, ít nhất một lần dừng là hàng chục đến hàng trăm xe, tốn vài lít xăng dầu, mỗi lần 20 giây, mỗi ngày (10 tiếng) là 1.800 lần. Vậy thì, ít nhất, tiết kiệm được 2.000 lít xăng dầu.

Thử tính xem trên toàn quốc có bao nhiêu ngã tư ấy? Bên cạnh đó, những biển báo hạn chế tốc độ cũng phải rà soát lại. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, hạn chế để bắt xe cộ chạy rùa bò, sau đó tài xế lại tăng tốc để bù thời gian, xăng dầu, lợi bất cập hại. Trên tuyến quốc lộ 1A ví như đoạn đường từ Đồng Hới đến Quán Hàu chẳng hạn, các phương tiện rùa bò suốt 10 km với tốc độ 20 -30 km/giờ; mỗi ngày lãng phí hàng chục tấn xăng dầu. Phải hạn chế tối đa việc lập trạm kiểm soát giao thông. Các nước khác không có các trạm như vậy  mà vẫn an toàn giao thông hơn đó thôi. Phải lưu ý rằng thiệt hại do dừng xe, “nhập trạm” không ít hơn hàng tỷ đồng mỗi ngày.

2- Trường học là một trong những nơi lãng phí năng lượng nhất. Học xong, quạt máy và bóng đèn cứ quay và sáng “vô tư”. Phải có biện pháp hành chính và giáo dục. Đừng nghĩ đây là thời gian nghỉ hè. Cần phải tạo thành nếp, thói quen nhất định phải có cho giáo viên và học sinh về ý thức tiết kiệm. (Người viết bài này đã không ít lần phải đi suốt cả hành lang để tắt điện). Mặt khác, tại sao không cơ cấu lại hệ thống đèn chiếu sáng trong các thành phố? Vào giờ cao điểm, các đường phố chỉ nên thắp sáng cách quãng (1 tắt, 1 đỏ). Khoản tiết kiệm là rất lớn, trong khi khả năng chiếu sáng không bị ảnh hưởng nhiều. Việc lắp các công tắc tự động như thế có thể tốn kém nhưng chúng cần cho nhiều năm nữa vì khả năng thiếu điện như hiện nay còn kéo dài - ít nhất là 5 - 7 năm.

3- Xe bus chưa được người tiêu dùng mặn mà là do lỗi của các nhà quản lý. Nếu tuyến xe được lập trình tốt và xe lưu hành đúng giờ thì can cớ gì người ta lại không đi? Phải rà soát lại tất cả những tuyến xe bus hiện có để có thể phục vụ hiệu quả hơn. Mặt khác, tình trạng tắc đường ở những thành phố lớn là nguyên nhân chính làm cho xe bus bị thất sủng. Bài toán có hai nghiệm: Nếu tắc đường thường xuyên thì người dân không dám đi xe bus và, càng không đi xe bus (sử dụng xe máy dễ luồn lách) thì lại càng dễ tắc đường. Tại sao không học tập kinh nghiệm của Bắc Kinh trong việc lưu thông ô-tô theo số chẵn, lẻ? Đã có nhiều ý kiến phản đối nhưng một thành phố lớn như Bắc Kinh làm được thì ta cũng làm được.

Về dài hạn

Tại sao không thể xúc tiến nhanh hơn tiến độ về các thủ tục để xây dựng những nhà máy điện hạt nhân? Đó là giải pháp tối ưu. Đã là tối ưu thì lộ trình thực hiện (không phải lộ trình kỹ thuật) không thể chậm trễ. Sản xuất điện từ sức gió (như Hà Lan), điện mặt trời và tư nhân hóa rộng rãi hơn nữa ngành điện phải đặt thành quan điểm chiến lược. Đã đến lúc cho phép các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… có kế hoạch tự lo một phần cho nguồn điện của mình. Đây là giải pháp khả thi sẽ giúp cho cả nước giảm tải được sức ép từ sự thiếu điện.
 
Cần phải đưa giá xăng dầu bình thường hóa theo giá cả thị trường thế giới. Không thể bao cấp lâu hơn nữa cho dù liệu pháp sốc này sẽ ảnh hưởng đến nhiều người. Về mặt vĩ mô, giá xăng dầu không bao cấp là cách tiết kiệm tốt nhất - buộc phải tiết kiệm. Nhà nước có thể hỗ trợ cho một bộ phận cư dân nghèo theo cách hỗ trợ cho ngư dân hiện nay.

Tiết kiệm phải trở thành quốc sách mới được hiện thực hóa. Mỗi tổ dân phố phải vận động người dân trong địa phương mình tiết kiệm năng lượng. Thiệt hại do cắt điện, hao phí xăng dầu hiện nay mỗi ngày không ít hơn vài chục tỷ đồng - thậm chí là hàng trăm tỷ đồng. Nếu bỏ công sức ra đồng tâm, hợp lực để mỗi năm tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng, tại sao lại không?

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.