So với các thành phố khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, vấn nạn “chạy” trường ở Đà Nẵng không “sốt” lắm trong mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp. Song, vào những ngày giữa tháng 7 này, khi các trường phổ thông bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh, thì cũng âm ỉ hàng loạt trường hợp các bậc phụ huynh “chạy chọt” để con mình được vào các trường “xịn”, trường chuẩn.
Ở cấp học THPT, việc Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 đã hạn chế được tối đa tình trạng “chạy” trường trong những năm qua. Nạn “chạy” trường hiện nay tập trung ở hai cấp THCS và tiểu học. Theo quy định của ngành Giáo dục-Đào tạo, các trường THCS, tiểu học phải tiếp nhận 100% học sinh trên địa bàn phường vào học, khi nào không đủ chỉ tiêu thì mới được phép tiếp nhận học sinh trái tuyến (nghĩa là học sinh có hộ khẩu khác phường, khác quận).
Căn cứ quy định trên, các bậc phụ huynh đã tìm mọi cách để chuyển hộ khẩu con em mình đến nhà ông bà, cô, chú, người quen... ở địa bàn phường, quận-nơi có trường THCS, tiểu học đứng chân. Đáng chú ý, từ khi Luật Cư trú ra đời, với những quy định thông thoáng trong luật, tình trạng chuyển hộ khẩu, nhập hộ khẩu (với mục đích “chạy” trường) diễn ra khá phổ biến và tăng đến “chóng mặt”.
Điều này, vô hình trung làm cho nhà trường rơi vào thế bí. Bởi nếu nhà trường tiếp nhận hết học sinh có hộ khẩu trên địa bàn phường vào học, thì bị vỡ kế hoạch tuyển sinh, còn nếu không tiếp nhận thì làm trái quy định của ngành.
Mỗi dịp tuyển sinh, đa số các vị hiệu trưởng các trường tiểu học có uy tín, chất lượng đào tạo cao trên địa bàn thành phố đều than vãn, vào thời điểm tháng 12 mỗi năm, nhà trường tiến hành điều tra chương trình phổ cập, xây dựng phương án tuyển sinh cho năm học mới nhưng đến mùa tuyển sinh, con số này tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Và nhà trường chỉ còn cách tăng chỉ tiêu tuyển sinh, bởi theo quy định, học sinh có hộ khẩu trên địa bàn phường thì phải tiếp nhận.
Không chỉ có việc “chạy” hộ khẩu, phụ huynh còn tìm “cửa trước, cửa sau...” để “chạy” cho con em mình vào các trường chuẩn, trường chất lượng, thông qua các mối “quan hệ” hoặc trao đổi bằng vật chất... Mặc dù trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các hình thức “chạy” như thế chưa được phát hiện cụ thể qua các mùa tuyển sinh nhưng không ai dám chắc rằng, tình trạng này không xảy ra?
Thực ra, để xây dựng và củng cố “thương hiệu”, những năm qua, các trường THCS, tiểu học trên địa bàn thành phố luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo, vì thế sự “chênh” nhau giữa trường này và trường khác về chất lượng đào tạo là không đáng kể. Vì vậy, để các thế hệ học sinh phát huy năng lực, tài năng, cùng với nhà trường, gia đình giữ vai trò quan trọng trong việc học tập của con cái.
Để hạn chế tối đa vấn nạn “chạy” trường trong mỗi mùa tuyển sinh, không còn cách nào khác, cơ quan chức năng giải quyết thủ tục nhập hộ khẩu, chuyển hộ khẩu cần xem xét kỹ về động cơ nhập hộ khẩu, chuyển hộ khẩu của từng trường hợp. Và trong quy chế tuyển sinh, ngành Giáo dục-Đào tạo cần quy định cụ thể về thời gian đăng ký hộ khẩu bắt buộc đối với học sinh; đồng thời theo dõi công tác tuyển sinh của từng trường, từ đó, kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp có dấu hiệu tiêu cực.
NGỌC ĐOAN
.
.
Vấn nạn “chạy” trường!
Thứ Tư, 16/07/2008, 08:42 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.