.

Áo dài “xé rào”

Ngày 25-8-2008, UBND thành phố Đà Nẵng đã có một quyết định đặc biệt: Kể từ năm học này, nữ sinh các trường THPT sẽ chỉ phải mặc áo dài vào các ngày thứ hai, thứ ba hằng tuần và các ngày lễ. Có thể nói rằng quy định trên vừa đạt được sự đồng thuận của dư luận đồng thời mang đến nhiều ý nghĩa văn hóa, xã hội.

Trước hết phải thấy rằng áo dài là một nét văn hóa rất riêng của dân tộc Việt Nam. Nó tôn vinh sự mềm mại, duyên dáng, vẻ đẹp nhuần nhụy của sự hiền hậu đầy nữ tính của người phụ nữ. Nhìn một nữ sinh mặc áo dài trắng thướt tha, ai cũng cảm nhận được sự sáng trong đầy khát khao như những trang giấy trắng của lứa tuổi học trò, cũng như hiểu được thông điệp của ý thức rất rõ ràng về sự trang trọng vừa phải của bổn phận và hiểu biết. Thế nhưng, áo dài - giống như bất kỳ một giá trị thẩm mỹ nào, cũng có những mặt trái của nó.

Một thực tế hiển nhiên là chỉ có chưa đến 20% các cô gái, phụ nữ thật sự đẹp khi mặc áo dài. Tỷ lệ vàng của chiều cao, chuẩn không thể thiếu của vòng số một và tỷ lệ giữa vòng số hai chia cho vòng số ba, sao cho phải đạt từ 0,6 đến 0,7 (có tăng giảm chút ít) thì mới đạt đến vẻ “quyến rũ tiềm ẩn”. Với lý do trên, áo dài trở nên phản cảm với những nữ sinh quá béo, quá gầy hoặc quá lùn; nếu không muốn nói là những người như thế mặc áo dài chỉ đem lại sự xót xa. Mặt khác, áo dài thật là bất tiện khi đi xe đạp, hoặc trời mưa. Các động tác nâng tà áo - thậm chí phải ngồi đè lên khi đạp xe…, quả là ít đẹp một cách rõ ràng. Những cảm giác chật chội, bức bối, khó thở khi trời quá nóng hoặc khả năng mất nhiệt khi trời quá lạnh là những điều không thể chối cãi...

Từ những điều bất tiện kể trên, việc phải mặc áo dài liên tục suốt 6 ngày trong một tuần quả là sự kiểm soát ngặt nghèo về khả năng chịu đựng của con người... Những nhà quản lý văn hóa của thành phố Đà Nẵng đã nhìn thấy tất cả những “khiếm khuyết” đó của áo dài nên đã có một quyết định đột phá thật đáng ghi nhận. Nó không chỉ là chuyện ăn mặc mà thể hiện sự quan tâm, thấu suốt về cuộc sống của con người.

Dưới góc độ văn hóa học, đó là cái nhìn duy mỹ thật khách quan và hiểu biết. Văn hóa - dù biểu hiện dưới dạng nào đi nữa thì trước hết phải đem đến sự thoải mái, tiện lợi cho chính bản thân con người. Đồng phục hay áo dài phải xuất phát từ quan niệm này. Có thật đúng hay không khi hầu như trường học nào cũng buộc học sinh phải mặc quần màu xanh công nhân? Nó không hợp với lứa tuổi học trò vì quá già và quá thiếu tính biểu hiện của tri thức, hiểu biết. Tại sao không là màu xám, màu lam (hoặc màu ghi) - màu của trí tuệ và đột phá, sang trọng? Không phải ngẫu nhiên mà từ đồ sứ của triều Nguyễn đến màu cờ của EU đều chọn màu lam. Tại sao đồng phục nữ sinh không đồng thời là cả váy và quần (cùng màu). Nếu quy định như thế thì nữ sinh mới có thể chọn cách ăn mặc phù hợp nhất để đẹp cho chính mình và cho cả xã hội.

Đà Nẵng là nơi “đầu sóng ngọn gió” của cả nước trong suốt bao nhiêu thời kỳ lịch sử. “Điểm dừng” của công chúa Huyền Trân năm 1306 là đèo Hải Vân, để từ đó Đà Nẵng mở đầu cho cuộc hành trình Nam tiến. Năm 1858, Liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã “chọn” Đà Nẵng để bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Ngày 8-3-1965, đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng để chính thức bắt đầu chiến lược chiến tranh cục bộ…

Nói như thế để thấy rằng, dù ở cách nhìn về văn hóa hay xã hội, tính tiên phong của Đà Nẵng phải được coi là một sự thức nhận, đột phá; một thuộc tính của cái “chất” mặn của muối và sự khoáng đạt của lộng gió biển, trời. Rất mừng là nữ sinh Đà Nẵng từ nay sẽ bớt được hai phần ba tuần lễ về cái nỗi lo “của” áo dài. Giá như cả nước học cách làm của Đà Nẵng, giá như mỗi tuần chỉ mặc áo dài một ngày thứ hai thôi, giá như trời mưa rét không phải mặc áo dài…?

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.