.

Bao giờ có rau an toàn?

Cụm từ rau an toàn đã được nhắc đến từ lâu, nhưng cho đến nay, tại Đà Nẵng, chưa có cơ quan chuyên môn nào đủ khả năng kiểm chứng độ an toàn của rau để sản phẩm đó đủ điều kiện tiêu thụ tại các siêu thị, làm an lòng người tiêu dùng.

Mỗi ngày thành phố sử dụng hàng chục tấn rau được nhập về từ rất nhiều địa phương, trong số đó không ít loại dùng để ăn sống. Thật vô cùng nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng khi rau còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nhìn bằng mắt thường, rau nào cũng tươi, cũng ngon, nhưng ai dám bảo đảm độ tin cậy về chất lượng. Hiện tại ở Đà Nẵng, có hàng chục cơ sở sản xuất rau mầm, nhưng ai dám chắc trong số đó người ta không dùng thuốc kích thích tăng trưởng hoặc hóa chất trong quá trình trồng.

Một chủ cơ sở sản xuất rau mầm ở quận Hải Châu vừa trở về từ thành phố Hồ Chí Minh nói rằng: ở Đà Nẵng người ta xem nhẹ việc kiểm tra chất lượng rau, nhất là loại dùng ăn sống. Tại thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở sản xuất rau chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt của cơ quan chức năng. Họ đến bất ngờ và lấy đi 2-3 khay vừa thu hoạch về kiểm tra chất lượng.
 
Nếu cơ sở nào bảo đảm độ an toàn thì cho phép sản xuất, bằng không chủ cơ sở phải thay đổi  quy trình, hoặc phải dẹp bỏ. Tại các siêu thị chỉ tiêu thụ rau có giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm do cơ quan chức năng cấp. Ở Đà Nẵng rau xanh chưa được kiểm định chất lượng bằng thiết bị chuyên dụng để đánh giá độ an toàn. Kết cục là rau sản xuất tại chỗ không thể lọt vào siêu thị.

Một chủ cơ sở sau khi liên hệ cung cấp rau mầm cho siêu thị đã nhận được câu trả lời: nhu cầu tiêu thụ rất lớn, nhưng phải có giấy chứng nhận rau sạch của cơ quan chuyên môn. Mang theo hy vọng đầu ra sản phẩm của mình sẽ có chỗ đứng trong siêu thị, chủ cơ sở này đến gõ cửa các cơ quan chức năng. Đầu tiên là đến Trung tâm

Y tế dự phòng thành phố. Tại đây, ông nhận được câu trả lời, không có chức năng kiểm tra và cấp giấy cho rau, lĩnh vực đó thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật. Đến Chi cục Bảo vệ thực vật, họ chỉ sang Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tìm đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đúng cán bộ phụ trách chương trình rau an toàn, được trả lời: để có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận rau an toàn, trước hết cơ sở sản xuất phải có một cán bộ kỹ thuật có bằng Đại học Nông nghiệp, những người trực tiếp sản xuất phải qua đào tạo có chứng chỉ hẳn hỏi.

Tưởng sản phẩm của mình sẽ được kiểm tra, xét nghiệm cấp giấy, ai ngờ nghe lời giải thích đó, chủ cơ sở sản xuất rau mầm thấy trước mắt mình như có bức tường khổng lồ. Thất vọng trở về và tiếp tục “bài ca” đưa rau tiêu thụ tại các chợ lẻ. 

Người ta cứ hô hào nhiều về an toàn thực phẩm nhưng rốt cuộc chẳng ai vào cuộc, không ai kiểm tra đánh giá độ an toàn của rau, nhất là loại dùng ăn sống. Người trồng rau vì lợi nhuận sẵn sàng phun thuốc trừ sâu, bón thuốc kích thích sinh trưởng, để đạt năng suất cao. Người kinh doanh rau, muốn hàng tươi lâu, không loại trừ dùng cả hóa chất để bảo quản.

Rau từ các địa phương khác cứ thế đổ về Đà Nẵng, bất chấp chất lượng tốt xấu vẫn tiêu thụ hết, bởi có ai kiểm tra đâu mà biết an toàn hay không an toàn. Chỉ có người tiêu dùng là lãnh đủ. Hiện tại, rau xanh luôn chiếm tỷ lệ lớn trong khẩu phần ăn của mỗi gia đình. Người tiêu dùng chấp nhận phải mua với tâm trạng không yên tâm cho lắm. Và họ không có quyền chọn lựa, bởi rau nào cũng thế cả. 

Ai chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá chất lượng rau an toàn? Câu hỏi dành cho cơ quan chức năng mà cụ thể là ngành Nông nghiệp và Trung tâm Y tế dự phòng. Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là vấn đề cấp bách hiện nay. Ở Đà Nẵng không có thiết bị chuyên dùng, không có cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng rau là điều khó chấp nhận.

NGUYỄN CẦU           

;
.
.
.
.
.