.

Cách mạng Tháng Tám và ý nghĩa của thời đại

63 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc Cách mạng phi thường của dân tộc Việt Nam bùng nổ và thắng lợi (19-8-1945 - 19-8-2008). Quãng thời gian đó quả là không dài so với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, đó lại là thời kỳ nhiều biến động nhất, nhiều thăng trầm nhất của lịch sử. Chính vì thế, thành quả của Cách mạng Tháng Tám càng lung linh và rực rỡ hơn, bất chấp mọi thử thách khắc nghiệt của thời gian.

Thứ nhất, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả tất nhiên của một tầm nhìn, một đường hướng đúng đắn, một sự chuẩn bị sẵn sàng chu đáo mà không phải dân tộc nào cũng làm được. Minh chứng của sự thật rất rõ ràng: Hàng chục nước trên thế giới có cơ hội sau khi phát xít Nhật đầu hàng nhưng chỉ duy nhất dân tộc Việt Nam đã biết cách để biến thời cơ ấy thành hiện thực. Duy nhất có nghĩa là mở đầu. Cách mạng Tháng Tám đã mở đường cho thời kỳ suy sụp, khủng hoảng của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Thứ hai, lần đầu tiên ở Đông Nam Á xuất hiện một Nhà nước dân chủ nhân dân. Đó là Nhà nước do giai cấp công nhân và nông dân thiết lập. Chủ nghĩa Marx lần đầu tiên đã tỏ rõ khả năng chiến thắng của nó ở một nước thuộc địa lạc hậu về kinh tế, bé nhỏ về tiềm lực. Gần một trăm nước thuộc địa lớn nhỏ đều phải học bài học từ Việt Nam.

Thứ ba, trong lịch sử của chiến tranh, nguyên tắc mạnh được, yếu thua là bất di bất dịch. Giá trị đó lần đầu tiên đã bị đảo lộn bởi sức mạnh Việt Nam. Châu chấu đá xe là cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví von thật hay và chính xác. Tại sao nhân dân Việt Nam đã làm được điều mà quy luật chiến tranh (theo nghĩa sức mạnh vật chất) phải ngỡ ngàng trong suốt hai cuộc chiến tranh liên tiếp (1946-1954 và 1954-1975)? Đó là do thành quả vĩ đại mà Cách mạng Tháng Tám đã đặt nền móng: Tinh thần độc lập và khát vọng tự do của một Đường lối Cách mạng đúng sẽ được vật chất hóa để trở thành một sức mạnh vô địch.

Thứ tư, cuộc khủng hoảng của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu trong những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ XX là vô tiền khoáng hậu. 50 triệu đảng viên “cộng sản” của những nước đó bỗng chốc bị vô hiệu hóa trong những sai lầm và trì trệ. “Sự cáo chung” là cụm từ mà không ít tên tuổi chính trị trên thế giới đã nhắc đến. Vậy nhưng, Việt Nam, với tiềm lực GDP năm 1991 (thời điểm Liên Xô sụp đổ - 25-12-1991) là 3 tỷ USD, đã vượt qua bão táp thù địch một cách thần kỳ; để ngay sau đó (1992), lần đầu tiên sản xuất vượt mức kế hoạch! Luồng gió đổi mới của mùa Thu tháng Tám năm xưa cứ thổi với tốc độ ngày càng nhanh hơn, hiệu quả cao hơn.

Thứ năm, những con số đến trong mùa Thu năm nay thật là ấn tượng. Bất chấp cơn bão giá xăng dầu, bất chấp cái đầu tàu của cả thế giới là nền kinh tế Hoa Kỳ chao đảo, Việt Nam vẫn vững bước đi lên. Con số 45,27 tỷ USD đăng ký đầu tư FDI trong 7 tháng đầu năm nói lên rằng sự ổn định vững chắc là điều kiện tiên quyết của phát triển; rằng ước mơ ngàn đời của cha ông ta về việc vượt qua ngưỡng cửa của đói nghèo (thu nhập bình quân 1.000 USD/người/năm) đang sắp trở thành hiện thực; rằng đã đến lúc mỗi người dân Việt Nam có thể mỉm cười khi bắt đầu “sánh vai với các cường quốc năm châu”…

Tất nhiên, thời đại mới chỉ vừa bắt đầu. Sau 442 năm “khởi động” (tính từ Cách mạng Hà Lan năm 1566), CNTB mới đạt đến trình độ như ngày nay. 63 năm của thời đại mới mà Cách mạng Tháng Tám đã mở ra cho dân tộc Việt Nam chắc chắn vẫn còn ngổn ngang trăm mối đợi chờ. Thế nhưng, nguyên tắc của cuộc sống và quy luật lịch sử là bất biến: Đảng và nhân dân ta đã biết cách để mở ra một thời đại mới thì cũng sẽ biết cách để vượt qua mọi thử thách, thăng trầm để cho ngọn gió hào hùng của tinh thần Tháng Tám mãi mãi vươn cao, lồng lộng giữa muôn đời…

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.