.

Cần một thái độ xử lý dứt khoát

18 container với hơn 400 tấn sắt thép phế liệu (là rác bẩn) được nhập về cảng Tiên Sa - đang là sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận.  Bởi trước hết, lô hàng nhập là “rác bẩn” này là thuốc thử thái độ của các cơ quan chức năng trong buổi sơ khai thực hiện chủ trương xây dựng thành phố môi trường mà chính quyền thành phố phát động.

Liều thuốc thử này đã có tác dụng. Trong khi các cơ quan Hải quan, Cảnh sát Môi trường, Tài nguyên-môi trường chờ kết quả giám định của cơ quan chức năng (Trung tâm Kỹ thuật - Đo lường - Chất lượng khu vực 2 tại Đà Nẵng - Quatest 2) để đưa ra quyết định xử lý nghiêm túc,  thì ngược lại sự mong đợi đó, sau hơn 2 ngày chờ đợi, các cơ quan chức năng nhận được kết quả rất “lẵng lơ” từ phía Quatest 2: Phiếu kết quả gửi các cơ quan chức năng vào buổi sáng khẳng định lô hàng có đến 5,11% tạp chất nguy hại, nhưng buổi chiều, trung tâm có văn bản kết luận ngược lại cho rằng con số 5,11% là tạp chất, chứ không phải “tạp chất nguy hại”.

Giải thích về sự không thống nhất  kết quả giám định mà Quatest 2 đưa ra là do đánh máy nhầm không thể thuyết phục được ai, dù đó là người dễ tính nhất. Chúng tôi thống nhất với nhận định của Thượng tá Phan Văn Thước, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường - Công an thành phố Đà Nẵng, rằng vụ việc diễn biến rất phức tạp vì kết luận giám định của Quatest 2 là rất quan trọng, nhưng đang có “vấn đề”. “Có vấn đề”, cũng có thể hiểu, kết luận về kết quả kiểm định của Quatest 2 bị yếu tố phi khoa học chen vào chăng?

Vụ việc sẽ được cơ quan chức năng làm rõ và sẽ được xử lý theo pháp luật, nhưng việc nhập khẩu phế liệu không được kiểm định ngay từ đầu của Công ty CP Thành Lợi, cũng như kết luận kiểm nghiệm “tiền hậu bất nhất” của Quatest 2 đang là lực cản đầu tiên mà Đà Nẵng gặp phải trên con đường xây dựng thành phố môi trường.

Cách đây không lâu, Báo Tuổi trẻ đưa một thông tin rất đáng lưu ý: Nhà chức trách Pháp thở phào nhẹ nhõm khi hàng không mẫu hạm Clemenceau nặng 40.000 tấn có được bến đỗ để “xẻ thịt”. Họ mừng vì tìm được khách hàng nhận xẻ thịt con tàu sau hơn 3 năm mất ăn, mất ngủ và tiêu tốn hàng triệu franc vì nó. Cũng cần nói thêm, năm 2006, hàng không mẫu hạm hết đát này được một công ty Ấn Độ mua phế liệu để tái chế, và nếu trót lọt, thương vụ này sẽ mang lại món lợi hàng triệu USD. Nhưng trước sự phản đối quyết liệt của các tổ chức bảo vệ môi trường của nước này cũng như quốc tế, mặc dù đã được đưa sang Ấn Độ, nhưng người Pháp phải ngậm ngùi cho “hồi hương” chiếc tàu “phế liệu” dù phí tổn  lên đến hàng triệu franc.

Người Ấn coi trọng môi trường hơn là lợi nhuận.

Đây không phải là lần đầu tiên - và có lẽ không phải là lần cuối cùng - rác thải được các doanh nghiệp nhập về Cảng Đà Nẵng. Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường cũng đã cảnh báo về xu hướng các nước đang phát triển bị biến thành những bãi rác khổng lồ của các nước phát triển. Xu hướng này đã trở nên hiện hữu khi nhiều  nước châu Á, châu Phi là nơi tiêu thụ phế liệu của các nước Âu - Mỹ. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó.

Rất nhiều vụ nhập khẩu rác công nghiệp bị phát hiện thời gian qua đã chứng minh điều đó. Để ngăn chặn xu hướng đó, đòi hỏi chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng phải tỏ thái độ dứt khoát và rõ ràng. Thành phố đang rất cần vốn đầu tư phát triển, nhưng cũng dứt khoát từ chối những dự án có số vốn trên cả tỷ USD vì không bảo đảm các yêu cầu về môi trường. Đồng thuận với chủ trương xây dựng thành phố môi trường, trong cuộc sơ tuyển, đề cử “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” thành phố Đà Nẵng năm 2008, tuyệt đa số thành viên Hội đồng nhất trí đưa ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Thành Lợi - người được Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đề cử - ra khỏi danh sách bỏ phiếu.

Thành phố đang cần sự đồng thuận như thế.
              
MINH LONG

;
.
.
.
.
.