Đi trên cung đường Sơn Trà - Điện Ngọc xuôi về phố cổ Hội An, chúng ta sẽ chứng kiến một hình ảnh rất tương phản: Đoạn đường thuộc phạm vi thành phố Đà Nẵng quản lý được xây dựng tương đối quy mô và bài bản, trong khi đoạn thuộc địa phận Quảng Nam thì ngược lại, khá luộm thuộm và nhếch nhác, hầu như không được chăm sóc, bảo dưỡng.
Đối với du khách, họ không cần biết và cũng không thể phân biệt được nơi nào là địa bàn quản lý đã được phân cấp mà chỉ cảm nhận được sự phản cảm xảy ra trên cùng một cung đường. Không hiểu vì nguyên nhân gì, tư duy cát cứ cục bộ hay vì thiếu hụt kinh phí khiến cho việc nâng cấp một con đường quan trọng phục vụ cho thế mạnh du lịch trong vùng lại bị lãng quên trong khoảng thời gian khá dài?
Hiện tượng tương tự cũng được báo chí đề cập nhiều lần, đó là thực trạng mất trật tự và ô nhiễm môi trường trên đỉnh đèo Hải Vân, nơi ranh giới tiếp giáp giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp nhằm vãn hồi trật tự buôn bán ở khu vực này, nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để tình hình, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh “Đệ nhất hùng quan” của khúc ruột miền Trung.
Ngay trong nội thành Đà Nẵng, nếu đến Khu công nghiệp Hòa Khánh, mọi người sẽ cảm nhận ngay một tổng quan quy hoạch lộn xộn và bừa bãi, cơ sở hạ tầng đường sá xuống cấp một cách tệ hại. Một số nhà máy, xí nghiệp tuy có chú ý đến cảnh quan và vệ sinh môi trường nhưng theo kiểu “phần ai nấy biết”, “đèn nhà ai nấy rạng”.
Chính quyền quận Liên Chiểu trên thực tế cũng không thể can thiệp vào khu vực này do khu công nghiệp đã được phân cấp bởi một Ban quản lý riêng. Nhìn sang Khu công nghiệp An Đồn, có thể xem nơi đây như một mô hình “khu công nghiệp - sinh thái” đáng để học tập. Sự khác biệt phải chăng nằm ở chỗ tư duy và trách nhiệm quản lý chưa được đồng bộ và minh định cụ thể?
Trên thực tế, đã có quá nhiều hội nghị và diễn đàn được tổ chức để bàn về việc liên kết các địa phương trong khu vực miền Trung nhằm phát huy sức mạnh kinh tế vùng trọng điểm, đặc biệt là thế mạnh về dịch vụ - du lịch. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần hành động tích cực hơn thay cho những lời nói và khẩu hiệu sáo rỗng.
Các cấp lãnh đạo chính quyền cần chủ động liên kết, chủ động đặt ra mục tiêu và chương trình cụ thể, phân công phân nhiệm một cách rõ ràng. Yêu cầu đầu tiên là phải kiên quyết khắc phục bằng được tư tưởng cát cứ, cục bộ, luôn luôn đặt lợi ích và thương hiệu toàn cục lên trên lợi ích riêng của từng ngành, địa phương; phát huy sức mạnh đồng thuận, đoàn kết, hiệp lực cùng nhau tiến nhanh về phía trước.
HÒA THẠCH
.
.
Cần một tư duy liên kết
Thứ Sáu, 08/08/2008, 09:56 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.