Tháng 7 kết thúc cùng với tín hiệu rất đáng chú ý, tốc độ lạm phát có chiều hướng chậm lại (nếu không có việc tăng giá xăng dầu, việc kiềm chế lạm phát chắc còn lạc quan hơn). Một trong những nguyên nhân lạm phát chậm lại là do tỷ trọng nhập siêu đang giảm. Tháng 6, nhập siêu còn 1,3 tỷ; tháng 7, nhập siêu xuống dưới 1 tỷ USD, chỉ còn 800 triệu USD so với bình quân gần 2,5 tỷ USD 6 tháng trước đó. Với đà giảm nhập siêu này, khả năng cả năm nay, mức nhập siêu dừng lại ở 20 tỷ USD như dự kiến là có cơ sở.
Giảm nhập siêu có nhiều nguyên nhân. Đó là do xuất khẩu tăng, cán cân xuất và nhập tiến tới cân bằng. Đó là do việc nhập nguyên vật liệu cho sản xuất, xây dựng và sinh hoạt được kiểm soát tốt hơn. Đó là do nhiều mặt hàng nhập khẩu không còn có lãi trong khi tái xuất lợi hơn (như phôi thép hiện nay)… nhưng một nguyên nhân rất quan trọng, mọi người đều có thể tham gia điều tiết được đó là tiết kiệm, là chống lãng phí, chống xài sang, nhất là xài sang bằng tiền công, tiền đóng góp của người dân.
Lãng phí đã trở thành một căn bệnh trầm kha và phổ biến trong xã hội ta. Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ cần cắt giảm những công trình kéo dài, kém hiệu quả, những chi tiêu chưa cần thiết (thực chất là lãng phí) trong một thời gian ngắn, chúng ta đã giảm chi, hoãn chi được hàng nghìn tỷ đồng.
Cũng theo một số liệu vừa được công bố trên báo chí, thói “xài sang” điện thoại di động, chủ yếu là trong giới trẻ, được sự khuyến khích tích cực của các hãng sản xuất và kinh doanh mặt hàng này khiến mỗi năm nước ta chảy máu ngoại tệ 1 tỷ USD; mỹ phẩm cho chị em làm đẹp 100 triệu USD; ô-tô “đập hộp nguyên chiếc” 600 triệu USD, chưa kể vô số thứ xài sang khác như ti-vi, máy điều hòa không khí, máy tính xách tay và để bàn, vật liệu xây dựng, v.v… Theo Bộ Công thương, nhập siêu có xu hướng giảm vì một phần lượng ô-tô nhập khẩu giảm. Nếu như tháng 5, cả nước nhập 3.300 chiếc thì tháng 6, chỉ còn 1.700 chiếc, trong đó lượng ô-tô công giảm đáng kể.
Không biết từ bao giờ, người tiêu dùng nước ta đã hình thành thói quen chuộng hàng ngoại, chuộng hàng “xịn” (hàng thùng cũng phải hàng thùng… xịn), coi thường hàng Việt Nam, hàng rẻ tiền. Đã hàng đắt tiền lại dùng vô tội vạ. Nếu không có chủ trương hạn chế, khó có ai mới đắc cử, được bổ nhiệm, đề bạt vào cương vị mới chịu dùng ô-tô, đồ nội thất văn phòng, kể cả phòng làm việc của người tiền nhiệm một cách vui vẻ. Ô-tô công, lái xe công, xăng cũng công nhưng dùng để về quê, đưa đón vợ con, đi lễ chùa, đi câu, đi đánh quần vợt.
Thủ trưởng đã thế, cán bộ cấp dưới càng “xả láng”. Những cú điện thoại đường dài phiếm chuyện hàng giờ. Máy điều hòa, điện thắp sáng, điện đun nấu vô tội vạ. Thi thoảng kiểm kê, thanh lý tài sản là cơ hội để biến của công thành của tư với giá như cho. Tưởng chỉ tiền công mới vậy, nhưng tiền riêng nhiều khi cũng không kém gì. Hơn 10 triệu một bộ đồ đánh golf, 5 triệu một bộ đồ quần vợt, 2 triệu một bộ đồ đi câu ven đô... Lớp “bình dân” hơn, cứ nhìn vào các quán bia cả nghìn người nườm nượp, những bàn tiệc cưới, tiệc sinh nhật, tiệc khao vọng thừa mứa sẽ rõ phần nào.
Nhưng thói quen nào cũng có thể thay đổi. Mấy hôm nay giá xăng lên, đã thấy ô-tô, xe máy trên đường giảm bớt. Khi xăng, cước không còn rẻ, đi đâu đã phải tính toán. Muốn phát triển phải tiết kiệm. Chính sách giá cả là một yếu tố tạo thói quen tiết kiệm cho xã hội, một xã hội đang chuyển mạnh sang tiêu dùng, tiêu dùng quá mức mình làm ra.
Thanh Bình
.
.
Cần thay đổi thói quen tiêu dùng
Chủ Nhật, 03/08/2008, 10:57 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.