.

Cảnh báo từ FDI

Thông tin cho biết trong 7 tháng đầu năm 2008, tổng lượng vốn đăng ký từ nguồn FDI vào Việt Nam lên tới 45,3 tỷ USD. Đó là một tín hiệu lạc quan về sự hấp dẫn, ổn định của môi trường đầu tư Việt Nam trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.

Và, tất nhiên, kèm theo đó là một triển vọng rất gần về sự tăng tốc của toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải có những cảnh báo nghiêm túc và toàn diện đối với việc tăng đầu tư FDI ồ ạt một cách chóng mặt như thế.

Trước hết, chúng ta thử điểm qua một vài thông tin đáng quan tâm. 80% vốn FDI trong thời gian qua là nhằm vào bất động sản hoặc các resort ở vùng duyên hải miền Trung. Gần 10 dự án thép có công suất từ 5-10 triệu tấn/năm đã và đang được cấp phép. 70% năng lượng được Nhà nước bao cấp như than, điện, xăng dầu là được dùng cho sản xuất (trong đó có các FDI), phần ưu đãi để “nhân dân được hưởng trực tiếp” trong tiêu dùng chỉ có 30%. 144 sân golf được cấp phép đã và đang được triển khai là một kỷ lục của thế giới vì chẳng có một nước nào vừa nghèo, vừa thiếu đất để trồng trọt lại nhiều sân golf đến thế(!)…

Chúng ta đang thiếu năng lượng một cách trầm trọng. Đó là một thực tế. Trong khi đó, các dự án đang ào ạt tràn vào Việt Nam lại đòi hỏi nguồn năng lượng khổng lồ. Liệu gánh nặng của sự mất cân đối năng lượng nghiêm trọng đó đã có giải pháp cụ thể để khắc phục hay chưa? Đó là chưa kể đến các nguồn tài nguyên (bao gồm cả đất đai) đang được huy động một cách tổng lực - nếu không muốn nói là nguy cơ tạo nên sự cạn kiệt đang trong một tương lai rất gần.
 
Tại sao không thay việc bao cấp giá xăng dầu, điện, than bằng những cách thức trợ giá trực tiếp vào lương, vào quỹ hỗ trợ cho người nghèo để chấm dứt mối lợi từ đó mà các nhà đầu tư nước ngoài đang “vô tư” thụ hưởng – góp phần tạo nên siêu lợi nhuận? 80% vốn đầu tư đổ vào bất động sản, resort, nhưng những lĩnh vực đó chỉ tạo nên rất ít công ăn việc làm trong khi mỗi năm dân số tăng thêm trên dưới một triệu người? Áp lực của việc làm hầu như vẫn chưa được giải quyết một cách căn bản. Mặt khác, 144 sân golf là một con số thậm vô lý, ngay cả khi chưa tính đến việc hàng ngàn nông dân bị mất đất, mất việc làm và đền bù không thể nào khắc phục được tình trạng “miệng ăn núi lở”.

Sự bất cập đang đến từ nhiều hướng. Một trong những nguyên nhân là quyền được cấp phép đầu tư của các địa phương. Liệu các địa phương đã có thể có được cái nhìn tổng thể trên tầm vóc vĩ mô để cân đối cung cầu và cân đối cả nền kinh tế hay chưa? Đành rằng việc mở rộng quyền được cấp phép cho các địa phương tạo nên một môi trường thông thoáng hơn cho hoạt động đầu tư; nhưng ai dám bảo đảm trong các dự án được cấp phép không có vô số kẽ hở và tiêu cực?

Việc tăng nhanh của FDI là một điều rất đáng mừng. Nhưng nếu sự tăng đó quá “nóng” thì cần phải tỉnh táo để xem xét và cân nhắc thấu đáo. Trong kinh doanh, mọi sự bất thường đều phải đặt dấu hỏi vì bóng dáng của siêu lợi nhuận và hưởng lợi trên các nguồn tài nguyên quốc gia đã và đang lộ hình, rõ diện ở nhiều lĩnh vực.

Phải rà soát lại một cách tổng thể và phải tính đến lộ trình chiến lược của công cuộc phát triển quốc gia tương quan với FDI. Nếu không thế, hệ lụy và sai lầm là không thể lường hết được.

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.