.

Cắt giảm đầu tư công phải bắt đầu từ lãnh đạo

Sau bài viết “Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng được đăng tải trên các báo cách đây không lâu, niềm tin của nhân dân đối với quyết tâm của Chính phủ trước những diễn biến bất lợi của nền kinh tế đất nước được củng cố.

Suốt mấy tháng nay, Thủ tướng cũng liên tục họp với các lãnh đạo địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước nhằm tạo ra sự đồng thuận trong việc chỉ đạo chống lạm phát. Trong 7 giải pháp mà Thủ tướng nêu ra để “kiềm chế lạm phát”, chúng tôi chú ý đến giải pháp “cắt giảm đầu tư công và chi phí thường xuyên của các cơ quan sử dụng ngân sách...” được xếp thứ 2 sau việc “thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt”.

Vì đây là giải pháp mang tính nội lực. Thủ tướng “...yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định các công trình kém hiệu quả, các công trình chưa thực sự cần thiết để có sự điều chỉnh thích hợp...”, “...kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước, cố gắng giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách...”. Thực tế, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư thì đã có hàng ngàn dự án được cắt giảm với trị giá gần 30.000 tỷ đồng. Đó là con số ấn tượng. Nhưng chống lãng phí là chuyện lâu dài.

Từ nhiều năm nay, Quốc hội, Chính phủ đã nói nhiều, bàn nhiều đến biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng dường như tất cả chỉ mới là “quyết tâm” trên giấy. Còn thực tế thì đầu tư công không có hiệu quả, chi phí hành chính, sự nghiệp ngày càng phình to. Một đề án tin học 112 ở Văn phòng Chính phủ không hiệu quả; những ngôi chợ xây năm ba tỷ đồng để “bò ở”; đầu tư hạ tầng cơ sở cho các khu công nghiệp hàng trăm tỷ đồng mà không thu hút được nhà đầu tư; sân bay, cảng biển nước sâu... các tỉnh xin cho bằng được vốn dự án để xây; lễ hội, Festival, ngày kỷ niệm, v.v.. địa phương nào cũng tổ chức rầm rộ, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng mà không mang lại hiệu quả gì.

Rồi biết bao nhiêu văn phòng sở, ban, trung tâm hành chính tỉnh đập đi làm mới; rồi công trình nước tự chảy cho đồng bào miền núi, làm xong mấy năm rồi mà nước không chảy; những khu vui chơi giải trí biến thành hoang phế...

Sự tốn kém này nhiều không kể xiết, chỉ riêng số vốn Nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng mà 8 Tập đoàn kinh tế (từ khi được “đổi tên” từ các Tổng Công ty) và gần 200 Tổng Công ty 90, 91, công ty Nhà nước lớn đang xao lãng nhiệm vụ cốt lõi của mình, đem đầu tư vào thị trường chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, trung tâm thương mại... làm hao tổn tiềm lực vốn của Nhà nước, làm giảm khả năng cạnh tranh của khối DNNN, làm tăng áp lực lạm phát. Dường như lâu nay, trong lĩnh vực công, người ta đề ra dự án, khẩn trương thực hiện dự án không phải vì phát triển kinh tế, vì cuộc sống dân sinh mà cái chính là vì “phần trăm lại quả bên A, bên B”.

Như vậy tiền thì vào túi một số người, còn Nhà nước thì thiệt đơn thiệt kép, nhân dân thì è cổ ra gánh lạm phát. Nếu Bộ Tài chính và Ngân hàng có cơ chế để chế tài, giám sát tất cả các dự án công, loại bỏ những dự án không hiệu quả, thì sẽ tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài đầu tư công, chi phí thường xuyên về hành chính, sự nghiệp, họp hành, tiếp khách, đi nước ngoài cũng tăng vô tội vạ. Nói chuyện giảm đầu tư công, giảm chi phí hành chính, chống lãng phí là nói đến chuyện quan điểm, chuyện ý thức trách nhiệm đối với nhân dân và đất nước, sau đó mới nói đến biện pháp chế tài, kiểm tra, kiểm soát cụ thể. Chính phủ đề ra chỉ tiêu cắt giảm chi phí hành chánh 10% thì địa phương nào cũng thực hiện răm rắp.

Nhưng giảm chi tiêu bằng ngân sách Trung ương thì tăng chi bằng ngân sách địa phương, lo gì. Cho nên để thực hiện điểm 2 trong 7 giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đề ra, trước hết phải bắt đầu từ lãnh đạo. Lãnh đạo phải gương mẫu trong tiết kiệm điện nước, xe công, đi nước ngoài, thì mới tạo ra niềm tin cho nhân dân, cán bộ noi theo. Cán bộ lãnh đạo không gương mẫu thì đừng nói đến, bàn đến chuyện “giảm đầu tư công, chống lãng phí”.

Ngô Minh

;
.
.
.
.
.