.

Chỉ số giá đang giảm tốc?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2008 chính thức được công bố với mức tăng 1,56%, thấp hơn nhiều so với dự đoán. Hai chỉ số quan trọng khác là giá USD và vàng chỉ bằng 97,04% so với tháng trước. Một số lĩnh vực quan trọng bước đầu có chuyển biến khả quan: Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh trong khi nhập siêu giảm đáng kể, thanh khoản ngân hàng bắt đầu ổn định, cuộc chạy đua lãi suất gần như đã chấm dứt, cung ứng tín dụng được khôi phục với khối lượng vốn ngày càng tăng cho các ngành ưu tiên như sản xuất nông nghiệp, mua lúa hàng hóa, xuất khẩu...

  Tình hình này một mặt góp phần củng cố thêm tâm lý lạc quan vào sự phục hồi dần của nền kinh tế, nhưng mặt khác lại đặt ra một bài toán khó hơn đó là nên duy trì chính sách điều hành trong thời gian đến như thế nào để có thể tiếp tục giữ vững xu thế ổn định và tăng trưởng?

Nếu so với cùng kỳ tháng 8-2007, chỉ số giá tháng này đã vượt qua ngưỡng 28%, là mức cao nhất trong vòng 17 năm qua. Trong khi đó, tính chung CPI 8 tháng đầu năm đã tăng 22,14% so với cùng kỳ năm trước. Dư luận hiện đang phát sinh nhiều quan điểm ngược chiều nhau về việc có nên chủ động nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng hoặc tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát? Kể cả việc cần phải hạ lãi suất cơ bản, kéo theo hạ lãi suất cho vay xuống để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang phải đối mặt khó khăn về vốn mặc dù áp lực lạm phát cao vẫn còn nặng nề? Đã có nhiều cảnh báo khá mạnh mẽ về tình trạng các doanh nghiệp đang mắc kẹt trong tình thế nan giải do tình trạng khan hiếm tín dụng, thị trường bị thu hẹp, chi phí sản xuất đắt đỏ, nếu kéo dài có khả năng hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ lâm vào cảnh phá sản, thất nghiệp...

Trong khi đó, một báo cáo nghiên cứu khác về tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố lại đánh giá rằng ngoài ba lĩnh vực có dấu hiệu suy giảm: Khai thác mỏ và than đá - Xây dựng - Kinh doanh và cho thuê bất động sản, còn lại hầu hết các lĩnh vực khác đều có sự tăng trưởng khá, đồng thời đi đến kết luận rằng lãi suất cao thực sự không tác động mạnh đến nền kinh tế, do lạm phát nên hiện lãi suất thực vẫn còn âm khá lớn, vì vậy cần duy trì lãi suất cao để thu hút nguồn vốn?

Xuất phát từ thực trạng cũng như những khuyết tật nội tại của chính nền kinh tế, cần thiết phải khẳng định rằng nếu chủ trương kiềm chế lạm phát chỉ nhằm hướng đến giảm tốc độ tăng chỉ số giá cả thì rõ ràng cơ hội đổi mới và nâng cao hiệu quả nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập sẽ không đạt được kết quả tối ưu. Chính vì vậy, sự cân nhắc thận trọng về chính sách điều hành trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng, cũng không loại trừ phải chấp nhận “đánh đổi, trả giá” nhằm loại bỏ một số nhân tố yếu kém để nền kinh tế vững chãi đi lên.
 
Kinh nghiệm bước đầu chống lạm phát trong thời gian qua đã làm sáng tỏ rất nhiều vấn đề vĩ mô cần phải xử lý, kể cả những vấn đề thuộc về cấu trúc kinh tế cần phải cải tổ tận gốc, nhất là trong các lĩnh vực dự báo và quản lý hoạch định kinh tế vĩ mô, cơ chế giám sát các cân đối vĩ mô, kiểm soát hệ thống tài chính - tiền tệ - ngân hàng và mô hình hoạt động của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước...
 
Trước mắt, chỉ số giá cả đang dần dần giảm tốc là yếu tố hậu thuẫn rất quan trọng cho công tác điều hành vĩ mô, cho phép có những giải pháp ứng xử linh hoạt hơn để “giảm sốc” cho nền kinh tế. Tuy nhiên cũng nên nhận thức rằng tiến trình chống lạm phát chắc chắn sẽ còn kéo dài, nên cảnh giác với tâm lý chủ quan, thỏa mãn, luôn kiên định và nhất quán với tầm nhìn cải cách dài hạn để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng thực sự bền vững.

THANH THỦY

;
.
.
.
.
.