Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa quyết định trả lại biên độ 5% dao động giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và nâng từ 4% lên 7% tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC).
Ngay ngày đầu tiên áp dụng biên độ mới, chỉ số VN-Index kết thúc phiên giao dịch ngày 18-8-2008 đạt mức 508,05 điểm, tăng 19,11 điểm, chính thức vượt qua ngưỡng 500 điểm. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ thời điểm điều chỉnh sang biên độ hẹp (từ 1% đến 3%) nhằm hạn chế sự ảm đạm thị trường trước đó. Cùng thời điểm này, sàn chứng khoán Hà Nội cũng có sự khởi sắc tích cực, chỉ số HASTC-Index tăng 6,28 điểm, đạt 157,93 điểm.
Lòng tin dường như được củng cố nhiều hơn khi kết thúc phiên giao dịch ngày 21-8-2008 chỉ số VN-Index tiếp tục xu thế đi lên mạnh mẽ ở mức 525,98 điểm. Sự kiện “vượt dốc 500 điểm” được xem là thành quả mang nhiều ý nghĩa khích lệ tích cực, đặc biệt trong hoàn cảnh thị trường chứng khoán lâu nay rơi vào thế ảm đạm kéo dài, nhiều cuộc “lội ngược dòng” tăng điểm trở nên bất thành, khiến tâm lý nhà đầu tư bị khủng hoảng nghiêm trọng.
Sự phục hồi dần phong độ của thị trường chứng khoán được giải thích bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết là do sự vững tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào môi trường chính trị ổn định cũng như năng lực kiểm soát tình hình kinh tế vĩ mô đã được cải thiện, nhất là trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng- ngân hàng.
Mặc dù những rủi ro bất lợi do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu cũng như những khó khăn nội tại trước mắt và lâu dài khó có thể lường hết được, nhưng giới phân tích nghiên cứu hiện đang cảm nhận rõ một xu hướng mới đang hình thành đó là cung cách ứng xử thận trọng, chặt chẽ hơn của các nhà đầu tư trong quá trình xác định và lựa chọn danh mục đầu tư chứng khoán.
Trên thực tế, “cột mốc 500 điểm” vẫn “không là gì” nếu đem so với các thị trường chủ chốt của thế giới, hoặc so với tổng số điểm mà thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng đạt được trong quá khứ, nhất là vào “thời điểm thăng hoa” của các năm 2006 - 2007.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, qua các đợt lạm phát nghiêm trọng vừa qua, với những thử thách “gần như tận cùng” mà các nhà đầu tư phải cam chịu, trên thực tế đã góp phần mang lại nhiều bài học hết sức quý giá. Không khí tỉnh táo, thực chất đã và đang quay trở lại các sàn giao dịch, cổ vũ luồng sinh khí mới về một lề lối làm ăn theo hướng chuyên nghiệp, công khai minh bạch, có tính toán đến lợi ích lâu dài. Bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi một loạt các công ty niêm yết và kinh doanh chứng khoán sẵn sàng công bố những con số lỗ, thậm chí lỗ lớn vào kỳ quyết toán tài chính 6 tháng đầu năm 2008, trong khi điều này trước đây hầu như là tối kỵ (?)
Sự kiện lội ngược dòng thành công của chỉ số VN-Index và HASTC-Index một lần nữa cho thấy sự cần thiết phải đổi mới hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước trong điều hành thị trường chứng khoán. Với bản chất là thị trường cao cấp, cực kỳ nhạy cảm, thị trường chứng khoán vốn rất dị ứng trước mọi sự can thiệp mang nặng mệnh lệnh hành chính hoặc môi trường kinh doanh thiếu tính công khai minh bạch.
Nghệ thuật và hiệu quả quản lý phải luôn nhằm đến mục tiêu khuyến khích sự tự tin, tạo không gian hành động linh hoạt, tôn trọng các quyết định lựa chọn của nhà đầu tư cũng như tín hiệu cung cầu thị trường. Nếu thời gian đến, vì một lý do nào đó, chỉ số VN-Index lại giảm xuống dưới 500 điểm thì cũng nên xem đó là hiện tượng bình thường, không phải hốt hoảng, bởi thị trường đang thể hiện bản năng và sức sống thực sự của nó. Lúc này, bài toán quản lý đặt ra đáng quan tâm hơn chính là kỹ năng phân tích và nhận diện cho được động lực nào đang đứng đàng sau để dẫn dắt xu thế biến động của thị trường.
VĨNH PHƯỚC
.
.
Chứng khoán vượt ngưỡng 500 điểm
Thứ Sáu, 22/08/2008, 09:10 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.