Hàng triệu học sinh thân yêu của chúng ta, những mầm non và tương lai của đất nước, đang chuẩn bị tựu trường và khai giảng năm học mới 2008-2009. Bên cạnh niềm vui ngày hội trường là bao lo toan ngổn ngang khác mà ngành giáo dục, phụ huynh, chính quyền các cấp và bản thân mỗi học sinh đang phải ra sức phấn đấu thực hiện: “Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”.
Có một chi tiết tưởng nhỏ nhưng rất đáng lưu ý, đó là việc bảo đảm xây dựng nhà vệ sinh hợp chuẩn tại các trường học. Đây được xem như một trong ba vấn đề cần tập trung giải quyết nhằm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” theo tinh thần Chỉ thị mới ban hành ngày 13-8-2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo về việc chỉ đạo một số nội dung trọng tâm chuẩn bị cho năm học mới.
Thực trạng bất cập đến mức tệ hại về nhà vệ sinh trong hệ thống trường học đã bị dư luận lên tiếng phê phán nhiều trong những năm trước đây. Sự việc diễn ra trên phạm vi toàn quốc chứ không riêng một địa phương nào, và tình hình càng xấu hơn đối với các địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, vùng sông nước, khu vực nông thôn nghèo. Ngay tại Đà Nẵng, khoan đề cập đến khu vực ngoại ô, nhà vệ sinh ở nhiều trường học tại khu vực trung tâm thành phố cũng chưa bảo đảm tiêu chuẩn. Đó là một trong những lý do tạo ra sự phản cảm đối với môi trường văn hóa học đường vốn được xem như thuần khiết, có tính nhân văn cao. Dư luận rất hoan nghênh sự nhận thức và chỉ đạo kịp thời của ngành Giáo dục-Đào tạo trong nỗ lực nhằm tạo lập môi trường sinh hoạt và học tập thân thiện cho con em của chúng ta. Hy vọng rằng, đây không chỉ là cố gắng đơn phương hoặc nhất thời của ngành Giáo dục-Đào tạo mà còn là trách nhiệm chung, mang tính thường xuyên, liên tục của cộng đồng xã hội và các ngành chức năng có liên quan.
Liên quan đến câu chuyện nhà vệ sinh trong trường học nhân ngày tựu trường sắp đến, cũng cần nhấn mạnh thêm đến việc cần thiết phải xây dựng và duy trì nếp sống văn hóa, vệ sinh trên tất cả các lĩnh vực khác, đặc biệt là các hoạt động có liên quan đến dịch vụ công cộng, công sở, bệnh viện, khu du lịch, công viên, trung tâm thương mại và chợ mua sắm, bãi tắm biển… Nhiều nước trên thế giới đã cụ thể hóa chính sách “Văn hóa W.C” bằng cách gắn “sao chất lượng” cho nhà vệ sinh tương tự như gắn sao cho các khách sạn, nhà nghỉ… Nên xem đây là một thông lệ đáng ghi nhận và học hỏi, vừa thể hiện sự tôn trọng con người, góp phần tôn tạo môi trường sống, vừa là tiền đề thu hút du khách, làm kinh tế. Suy cho cùng, văn hóa W.C chính là một phần tất yếu của văn hóa cuộc sống, không thể tự nhiên mà có, phải do chính nội lực bản thân mỗi người cùng tự giác góp sức nhằm nuôi dưỡng, phát triển bộ mặt xã hội ngày càng văn minh và hướng thiện.
THANH THỦY