Trong 5 năm qua, Việt Nam có đến 16 ngàn công chức bỏ việc, chỉ riêng địa bàn TP. Hồ Chí Minh là 6.500 người, tạo ra một làn sóng mới về “chảy máu chất xám” nơi khu vực công. Đó là những con số rất đáng quan tâm vừa được công bố từ báo cáo khảo sát của Tổ chức Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP).
Bên cạnh đó, thời gian qua dư luận cũng đã từng nghe nhiều về thông tin một loạt cán bộ chủ chốt ở một số bộ, ngành quan trọng ở Trung ương nghỉ việc, chuyển sang kinh doanh hoặc đầu quân cho các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng không ít đến công tác tham mưu hoạch định cơ chế chính sách. Hiện tượng này không những khắc họa nên một bức tranh khá ảm đạm về hình ảnh người công chức trong xã hội, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bất cập lớn trong chính sách đào tạo, quy hoạch, sử dụng cán bộ, viên chức trong bộ máy Nhà nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng công chức bỏ việc ngày càng nhiều, trong đó những nguyên nhân thường được đề cập và thường được dẫn chứng trong các báo cáo như: Môi trường làm việc; Cơ hội đào tạo và đào tạo lại; Khả năng phát triển và thăng tiến; Tiền lương và thu nhập... Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng lại ít được nói đến, đó là năng lực phát hiện và dùng người tài của người lãnh đạo. Đây chính là cái gốc của vấn đề.
Nhiều cuộc khảo sát về quản trị nhân sự gần đây cho thấy, môi trường làm việc thân thiện chính là yếu tố hàng đầu để giữ chân cán bộ, sau đó mới đến cơ hội thăng tiến và tiền lương. Chỉ có những người lãnh đạo thực sự có tâm và có tầm thì mới đủ khả năng xây dựng không khí làm việc minh bạch, đoàn kết, tận tâm, theo đúng phương châm “Ích nước, lợi nhà”. Mỗi cá thể trong một tổ chức thực sự là một thế giới riêng, với những hoài bão và khát vọng không giống nhau, điều quan trọng nhất là người lãnh đạo phải biết quy tụ mọi người cùng nhau nhìn về một hướng, phải xây dựng được những người tài đức đảm đương các vị trí trụ cột của tổ chức, góp phần định hướng tổ chức vận hành theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, đã nêu hết sức ngắn gọn về tiêu chí chọn công chức của ông. Đó là: Trung thực và thạo việc. Sự thành công rực rỡ của Singapore trong việc xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức mẫn cán chính là nhờ xuất phát từ quan điểm chọn người nêu trên, kết hợp với một quá trình liên tục và bền bỉ trong việc tạo dựng một hình ảnh cao quý về mẫu người công chức trước mắt mọi người dân.
Lương công chức ở Singapore phải luôn cao hơn mức bình quân chung của các giám đốc doanh nghiệp, và đó được xem là một trong những yếu tố quyết định để họ phải sợ tham nhũng, không dám tham nhũng và kiên quyết chống tham nhũng. Không còn nghi ngờ gì nữa, một đội ngũ công chức trung thành và tận tụy chính là hồng phúc của đất nước, bởi họ chính là lực lượng đi đầu trong việc định hướng, sáng tạo và dẫn dắt quốc gia tiến nhanh trên con đường thịnh vượng và phát triển liên tục.
VĨNH PHƯỚC
.
.
Công chức đang bỏ việc
Thứ Hai, 25/08/2008, 08:57 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.