.

Đầu tư ra nước ngoài, không phải tự ti

Trong một dịp xúc tiến đầu tư từ phía Nhật Bản diễn ra tại Đà Nẵng, một số thành viên của nước bạn đã đề nghị “chúng tôi cũng đang mời gọi các DN Việt Nam đến đầu tư”. Một lời mời làm chột dạ nhiều DN.

Được biết từ năm 1999, Việt Nam đã thực hiện Nghị định số 22/1999/NĐ-CP quy định đầu tư ra nước ngoài của DN. Tính đến hết tháng 7-2008, các DN Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài tổng vốn 2,5 tỷ USD với 317 dự án. Trong đó, vốn thực hiện của Việt Nam đạt khoảng 1 tỷ USD. Dự báo giai đoạn 2008-2010, đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam sẽ đạt mức 500 triệu USD/năm.

Tất nhiên, đó là kết quả khiêm tốn. Để cải thiện tình hình này, Bộ KH-ĐT vừa cho biết đang đề xuất 3 giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam trong giai đoạn tới.

Thứ nhất là xây dựng đề án về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN. Theo đó, tiến hành các chương trình xúc tiến đầu tư và nghiên cứu thị trường, luật pháp, chính sách, tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư để hướng các DN Việt Nam đầu tư có hiệu quả.

Thứ hai là liên tục tổ chức thu thập thông tin về môi trường đầu tư tại các nước để cung cấp cho các DN trong nước đang có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài như: chính sách thu hút đầu tư, các dự án kêu gọi đầu tư, luật pháp, chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, tiềm năng và cơ hội đầu tư trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể tại nước mà DN Việt Nam muốn đầu tư vào.

Thứ ba là hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho những dự án thực hiện tại nước ngoài thông qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với mức vay tối thiểu 30% tổng vốn đầu tư của dự án với lãi suất ưu đãi và được miễn hình thức bảo đảm tiền vay bằng tài sản. Tại một số dự án đặc biệt, DN còn có thể đề nghị Nhà nước góp vốn đầu tư.

Việc DN Việt Nam “chột dạ” khi được mời vào đầu tư ở thị trường Nhật Bản hay các nước khác thực chất không hẳn kém vì khả năng tài chính mà xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Theo Thứ trưởng Bộ KH- ĐT Cao Viết Sinh, DN Việt Nam hiện còn tới 11 đầu mối  hành chính phải qua khi muốn đầu tư ra nước ngoài, có dự án phải mất 5-7 tháng mới được cấp phép. Ngoài ra, DN Việt Nam chưa được sự hỗ trợ mạnh mẽ như DN Nhật Bản có Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế (JICA) hậu thuẫn. Mặt khác, nội lực của DN Việt Nam cũng có vấn đề khi mà kỹ năng quản trị DN còn thấp, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý.

Hiện Chính phủ đang đi đến thống nhất nội dung của hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế trùng của Việt Nam với một số nước đã ký thỏa thuận. Đây sẽ là cơ sở cho DN Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xem xét đưa ra cơ chế, chính sách để hỗ trợ các DN trong nước đầu tư sang thị trường Lào và Campuchia về đào tạo lao động - do hai thị trường này không thể đáp ứng được về số lượng và chất lượng lao động theo yêu cầu. Đặc biệt, Chính phủ phân cấp mạnh về cấp phép đầu tư ra nước ngoài về địa phương.

Rõ ràng, các DN Việt Nam được tạo nhiều điều kiện thuận lợi cả về mặt pháp lý cũng như chính sách ưu đãi để đầu tư ra nước ngoài. Sự “chột dạ” của DN được giải tỏa và DN Việt Nam không phải tự ti như hiện nay.

TRIỆU NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.