.

Dừng thành lập ngân hàng mới

Ngày 8-8-2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Văn bản số 7171/NHNN-CNH thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu tạm dừng thành lập ngân hàng thương mại cổ phần mới trong lúc chờ rà soát và hoàn thiện các tiêu chí cấp phép.
 
Đây là quyết định kịp thời, đúng đắn, được sự đồng tình của dư luận, nhất là trong bối cảnh cả nước đang tập trung nỗ lực chống lạm phát, bình ổn thị trường tài chính - tiền tệ. Nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra chủ trương này nên được ban hành sớm hơn, và Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có đủ thẩm quyền để quyết định trong tư cách là cơ quan điều phối chủ yếu về chính sách tiền tệ quốc gia.

Nếu xét trên 3 phương diện chủ yếu nhất của một ngân hàng: Trình độ năng lực quản trị, vốn, công nghệ, thì hiện có không nhiều ngân hàng Việt Nam hội đủ điều kiện theo đúng thông lệ quốc tế. Năng lực quản trị là yếu tố quan trọng hàng đầu của một ngân hàng, thể hiện trước hết ở khả năng duy trì sự vận hành hệ thống một cách ổn định theo những chuẩn mực chính sách nghiệp vụ được ban hành một cách nhất quán và hợp lý.
 
Cơn bão thanh khoản vừa qua đã bộc lộ rất rõ điểm yếu này, một số ngân hàng gần như không có chiến lược kinh doanh rõ ràng, năng lực quản trị thanh khoản và quản trị rủi ro quá bất cập, độ gắn kết giữa Hội sở chính và các chi nhánh phụ thuộc, hoặc giữa hệ thống ngân hàng này với ngân hàng khác rất lỏng lẻo, trong khi tính hệ thống lại là một trong những đặc trưng quan trọng nhất của định chế ngân hàng, nó phản ánh sự luân chuyển tự nhiên và thông suốt của dòng vốn, là cơ sở rất quan trọng để Ngân hàng Nhà nước cầm chịch một cách hiệu quả thị trường tiền tệ quốc gia.
 
Trước đây và hiện nay vẫn có nhiều lập luận, kể cả của các chuyên gia ngân hàng đầu ngành, cho rằng cần phải mở thêm nhiều ngân hàng hơn nữa bởi so với một số nước trong khu vực và trên thế giới thì tỷ lệ ngân hàng so với dân số ở Việt Nam hiện còn khá thấp (?). Tư duy giản đơn này càng được tiếp sức bởi cao trào các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đua nhau góp vốn lập ngân hàng, công ty chứng khoán. Ra đường gặp ngân hàng giống như ra ngõ gặp quán cà phê, một sự ví von hài hước của dư luận, ngẫm nghĩ lại thực tế đôi khi có phần đúng, và hậu quả nhãn tiền đến nay là rất rõ, không thể một sớm một chiều có thể tháo gỡ được.

Chủ trương tiến hành xem xét lại các tiêu chí trong cấp phép thành lập ngân hàng là bước đi rất quan trọng trong hoạch định chính sách quản lý, tuy nhiên điều đáng quan tâm hơn chính là thực trạng của các ngân hàng hiện đang còn hoạt động, cần thiết phải được quan tâm chấn chỉnh sớm về mọi mặt. Đã có nhiều kiến nghị, giai đoạn này là thời điểm thích hợp để Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành cơ chế nhằm khuyến khích đẩy mạnh xu thế hợp nhất, sáp nhập một số ngân hàng nhỏ, cải tổ cơ bản về bộ máy quản trị, chủ động tiếp cận công nghệ mới, đón nhận luồng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng...

Mặt khác, do đặc thù của nước ta, hiệu quả hoạt động ngân hàng đòi hỏi phải luôn gắn bó chặt chẽ, đồng bộ với chính sách nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ ngân hàng ở khu vực nông nghiệp - nông thôn, xem đây là đòn bẩy trực tiếp phục vụ chiến lược tam nông của Đảng và Nhà nước. Khu vực rộng lớn này hiện còn tồn tại rất nhiều khoảng trống, chủ yếu do hệ thống quốc doanh chi phối, tuy nhiên khả năng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng của hộ sản xuất và các doanh nghiệp nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.