.

Hướng đi đúng của một đề án

Có thể nói quyết định triển khai đề án tạo nguồn chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng là khâu đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đối với cán bộ cơ sở của thành phố hiện nay.

Rõ ràng trước thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, việc triển khai đề án này là thực sự cấp bách, đáp ứng thực tiễn phát triển của thành phố, nhằm từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường cho những năm tới.

Nhìn chung, số đông người dân thành phố phấn khởi quan tâm theo dõi đề án này cho rằng, đây là giải pháp tốt để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phường, xã. Tuy vậy, vẫn có loại ý kiến băn khoăn lo lắng rằng, liệu khi học tốt nghiệp ra trường, trước tác động của kinh tế thị trường, bị chi phối vấn đề thu nhập, liệu rằng họ có yên tâm với công việc được giao.

Loại ý kiến khác không khỏi băn khoăn khi số cán bộ tạo nguồn tốt nghiệp, sau mấy năm công tác, họ được bố trí vào các chức danh chủ chốt,vậy thì giải quyết chế độ, chính sách cho các cán bộ chủ chốt được thay thế đó theo hướng nào, trong khi còn nhiều cán bộ chưa đến tuổi nghỉ hưu, còn sức khỏe, tuy chưa được đào tạo chính quy nhưng họ có kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn. Loại ý kiến nữa lại cho rằng, đây là mô hình chưa có tiền lệ nên việc xây dựng khung chương trình, phương thức đào tạo như thế nào cho có hiệu quả, sản phẩm đào tạo ra có đáp ứng được yêu cầu hay không?

Những băn khoăn trên không phải không có cơ sở. Song theo chúng tôi không đến nỗi bế tắc trong việc tìm chọn các giải pháp để tháo gỡ. Tính chuyên nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở nhiều nước trên thế giới là khá rõ. Chẳng hạn ở Nhật Bản, Đại học Kobe đào tạo nhân tài cấp cơ sở; Đại học Hitotsubashi đào tạo nhân tài kinh doanh; Đại học Kuyshiu đào tạo nhân tài về quản lý hành chính…

Còn ở nước ta tuy có vận hành ở một số ngành, một số trường song tính chuyên nghiệp còn hạn chế, chưa phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ. Trong khi đó, cán bộ cơ sở hiện nay ít được đào tạo, bồi dưỡng; khối lượng công việc nhiều, thu nhập ít. Khởi đầu của một chủ trương không thể không tạo sự thống nhất cao. Cần tập trung tuyên truyền sâu rộng trong các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên, đối tượng tham gia về tính cấp thiết của đề án, “cộng hưởng” trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ từ khâu tuyển sinh đến quá trình đào tạo để đề án được thực thi có hiệu quả; xóa bỏ tâm lý chưa coi trọng cán bộ phường; tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” ở đối tượng quy hoạch.

Phải xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, của các chức danh để xây dựng nội dung, chương trình, phương thức đào tạo hợp lý, khoa học, sát thực tiễn. Cần trang bị cho cán bộ nguồn một lượng kiến thức “nền” hợp lý, nhất là lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin để họ có thể “dĩ bất biến ứng vạn biến”, xử lý thuần thục các kỹ năng, tác nghiệp vận hành trong thực tiễn. Nội dung đào tạo phải được chuẩn bị công phu, có sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành; giữa trang bị kiến thức và rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống; giữa giáo dục đạo đức với đào tạo chuyên môn…
 
Cần coi trọng học đi đôi với hành, đào tạo với tự đào tạo, bố trí thời gian hợp lý để học viên đi thực tập gắn với các chức danh ở xã, phường.

Bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ này sau khi được quy hoạch cũng cần có quan điểm biện chứng, lịch sử cụ thể. Nóng vội chủ quan hoặc bảo thủ trì trệ đều không đúng. Trên cơ sở tiêu chuẩn, yêu cầu nhiệm vụ, xu hướng triển vọng và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ để bố trí. Ngoài việc đổi mới chính sách tạo động lực, nên chăng cần xác lập các quy định, chế tài để ràng buộc trách nhiệm 2 chiều đối với học viên trong thời gian học tập, trong giai đoạn quy hoạch là những biện pháp “giữ chân” họ chuyên tâm với chức trách, nhiệm vụ được giao.

NGUYỄN THẾ TƯ

;
.
.
.
.
.