.

Lạc nước cờ, đất nước thua thiệt

Làm ăn kinh tế cũng như đánh cờ, lạc một nước, thua thiệt hàng trăm triệu, có khi hàng tỷ đô la. Nước cờ xuất khẩu gạo là như vậy.

Đầu năm, Chính phủ đã xác định mục tiêu năm 2008 sẽ xuất khẩu từ 4 đến 4,5 triệu tấn gạo. Năm nay lương thực khan hiếm, cung không đủ cầu, một lượng hàng hóa như vậy sẽ mang về cho đất nước một nguồn ngoại tệ đáng kể. Nhưng rồi đợt rét bất thường ở các tỉnh phía Bắc, dịch rầy nâu ở miền Nam, sâu cuốn lá trên các trà lúa sớm ở cả 3 miền đã khiến các nhà kinh tế nông nghiệp mất bình tĩnh, dự báo sai.

Cộng vào nỗi lo thiên tai, tháng 3 năm nay giá gạo thị trường đột ngột lên cơn sốt ảo, dưới bàn tay đạo diễn của bọn đầu cơ. Đã mất bình tĩnh vì thiên tai, lại không đánh giá đúng thị trường, không những các nhà kinh tế công thương không có ngay biện pháp bình ổn thị trường mà còn lập báo cáo xin Chính phủ giảm khoảng 500.000 tấn gạo xuất khẩu trong năm nay, tức là rút xuống còn 3,5 triệu đến 4 triệu tấn. Đã thế, báo cáo còn đề nghị ngừng ngay việc ký hợp đồng mới, đóng cửa một số kho gạo lớn để “bảo đảm an ninh lương thực” vì… lo xa cho cái dạ dày Việt Nam trong cơn khủng hoảng lương thực thế giới phải mười năm nữa mới kết thúc.

Rất tiếc, tình hình lại diễn ra không đúng như dự báo. Năm nay, mặc dù thiên tai, dịch bệnh, cả ba vụ đông xuân, hè thu và vụ mùa ở cả 3 miền đều được mùa, sản lượng ước tính đạt 37,6 triệu tấn, tăng 1,7 triệu tấn  so với năm 2007, tăng gần 2 triệu tấn so với năm 2005 là năm nước ta đạt kỷ lục xuất được 5,2 triệu tấn gạo. Đã thế, giá gạo trên thế giới lại đi xuống. Từ chỗ giá FOB (xuất tại cảng nước xuất khẩu) xấp xỉ 1.000 USD/tấn (ta thấp hơn, vào khoảng 950 USD/tấn - gạo 5% tấm) đến nay chỉ còn 600 USD (gạo Việt Nam chỉ còn 550 USD).

Giá bên ngoài xuống, gạo trong nước dôi dư, giá gạo trên thị trường tuột dốc, nông dân thua thiệt, doanh nghiệp điêu đứng, hàng nhiều mà không mua được vì thiếu vốn, vì giá cao, Chính phủ phải chi 15.000 tỷ đồng hỗ trợ để giúp doanh nghiệp thu mua thóc cho nông dân. Khi giá cao thì hạn chế xuất khẩu, khi giá thấp lại khuyến khích gom hàng, ký hợp đồng. Cờ lạc nước, thua thiệt là cầm chắc. Một bài học kinh tế đau xót.

Vấn đề còn lại là đừng để tình trạng đáng tiếc ấy lặp lại vào sang năm hoặc nhiều năm sau. Muốn thế phải dự báo đúng, tham mưu đúng. Mà muốn dự báo đúng, tham mưu đúng thì trước hết là con người, trong một hệ thống thống kê - kế hoạch đáng tin cậy.

VŨ DUY THÔNG

;
.
.
.
.
.