Thiên tai luôn gây cho ta những bất ngờ. Trong khi mọi sự chuẩn bị đều hướng về các tỉnh ven biển, cấp độ đề phòng đều tính tới các cơn bão lớn, thậm chí là “siêu bão” có thể xảy ra trong năm La Nina, thì đột ngột, cơn bão số 4 đổ bộ vào nước ta chỉ với sức gió trung bình, hoàn lưu của nó không gây mưa lớn ở vùng đồng bằng ven biển mà chủ yếu lại ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, vùng có thể nói là an toàn lâu nay.
Nỗi đau mất người thân của người dân bản Tùng Chỉn 1, xã Trịnh Tường, Bát Xát, Lào Cai. (Ảnh: VietNamNet) |
Những cơn mưa lớn và kéo dài hàng trăm milimét bất ngờ ập xuống. Sông Hồng, sông Lô, sông Thao và hệ thống sông Thái Bình phút chốc thành biển nước hung hãn. Hàng trăm sông suối nhỏ hình thành lũ quét, lũ ống, tàn phá làng mạc, ruộng đồng. Đất lở, nhà trôi, người chết. Chỉ trong vài ngày lũ, đã có hàng trăm người chết và mất tích, chưa kể số người bị thương; hàng trăm nghìn người rơi vào cảnh trắng tay, thiếu ăn, thiếu mặc… một thảm họa không chỉ với các tỉnh bị thiên tai mà còn với cả nước.
Đã có nhiều bài báo mô tả cảnh lũ lụt, phản ánh những hoạt động đồng bào cả nước lá lành đùm lá rách, chi viện cho đồng bào bị hoạn nạn, xin không nhắc lại. Vấn đề muốn đề cập đến là liệu chúng ta có rút ra được kinh nghiệm gì từ đợt lũ lụt này để giảm thiểu những rủi ro có thể hạn chế được trong tương lai?
Từ chuyện lũ lụt bất ngờ, gây thiệt hại lớn về người và của ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh năm ngoái và các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Cao Bằng năm nay, có thể thấy hiểm họa bão, lụt, lũ quét không chỉ nhằm vào miền Trung và đồng bằng Bắc Bộ mà đã mở rộng ra cả nước. Trước đây không hề xảy ra nhưng nay nếu có bão lớn ở Nam Bộ, Tây Nguyên; nếu có hạn nặng vào mùa mưa; mưa lớn vào mùa khô ở đâu đó thì cũng không có gì quá ngạc nhiên. Khí hậu trái đất thay đổi; khí hậu nước ta cũng đang thay đổi rõ rệt buộc chúng ta phải thay đổi nếp nghĩ, nếp sống cho phù hợp.
Nhìn lại những đợt thiên tai vừa qua, những thiệt hại đau lòng thường bắt nguồn từ sự chủ quan, thiếu hiểu biết và do chưa kịp thay đổi tập quán sống phù hợp với những biến đổi bên ngoài. Ở vùng biển, những ngôi nhà, kể cả những dãy phố ngày càng lấn ra mép biển, bất chấp nguy cơ sóng thần hay bão lớn. Miền Trung là nơi thường xuyên bị bão đe dọa nhưng khi cấp phép xây dựng, không có điều khoản nào buộc các chủ đầu tư phải bảo đảm công trình đứng vững trước gió bão.
Hàng vạn ngư dân đêm ngày bám biển nhưng hệ thống phòng hộ, cứu nạn trên bờ và trên biển còn quá sơ sài. Hơn 3.000 bến đò ngang trên cả nước, số đò có phao cứu sinh cho khách không đáng kể. Ở miền núi, nhất là miền núi phía Bắc, hầu như các tai nạn chết người, mất hết tài sản đều rơi vào những trường hợp làm nhà ven suối, dưới ta-luy dựng đứng… gặp đất lở, lũ ống.
Cho đến nay, cũng chưa có quy định nào về việc vớt củi, đánh cá trên các dòng sông lũ. Chỉ cần nhìn vào những tầng đất bồi, những tảng đá lớn ngổn ngang sau trận lũ có thể hình dung nạn phá rừng triền miên, trầm trọng đã phá hỏng đất đai, gây lũ lụt nghiêm trọng đến mức nào. Ở vùng đồng bằng, việc vỡ đê ở Thanh Hóa, việc vỡ đập thủy lợi mùa lũ năm ngoái là những lời cảnh báo nghiêm khắc.
Nói tất cả những điều đó là vì trước mắt, năm nay và nhiều năm sau nữa, vẫn còn những trận bão lớn, lụt to, hạn nặng rình rập. Xa hơn, thảm họa khi mực nước biển dâng cao một mét, cả đồng bằng sông Cửu Long, một phần đồng bằng sông Hồng và đồng bằng ven biển miền Trung chìm trong nước mặn đang chờ.
PHẠM VŨ