Thông tin từ báo chí cho biết, bác nông dân Dương Văn Thuận (DVT), 48 tuổi, ở Thạnh Trị, Gò Công Tây, Tiền Giang đã phát minh và ứng dụng thành công “Giàn phun thuốc diệt rầy nâu”, giúp tiết kiệm được 30% lượng thuốc, giảm 40% thời gian phun và nhất là đã tiết kiệm được 200 ngàn đồng một ha trong khi tỷ lệ rầy nâu bị diệt lên đến 80-90%!
Sự kiện trên đã gây nên một cơn sốc thực sự đối với dư luận bởi nó có rất nhiều ý nghĩa. Trước hết, phải thấy rằng bác DVT không phải là người nông dân đầu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vào nông thôn nói riêng, cuộc sống nói chung. Thậm chí, đã từng có những “phát minh” “động trời” như chuyện nông dân “chế tạo”… máy bay trực thăng(!). Thành công hay thất bại là điều chưa bàn đến. Ở đây, rất cần nhấn mạnh là tinh thần dám nghĩ, dám làm của những người nông dân giàu nhiệt huyết với bổn phận của chính mình và tương lai của đất nước (dù đó chỉ là ý tưởng hay tinh thần), đều rất đáng được ghi nhận.
Thứ hai, nó minh chứng một thực tế rằng cho dù chữ nghĩa không nhiều, học hành chưa đến nơi, đến chốn nhưng khả năng sáng tạo, vươn lên của nông dân là một thực tế hiển nhiên. Vấn đề là khơi dậy khả năng và tinh thần ấy như thế nào là điều quyết định.
Thứ ba, chủ trương của Đảng và Chính phủ thực hiện đồng bộ quy trình tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) đã có từ rất lâu nhưng hầu như giới trí thức trên cả nước vẫn chưa coi đó là một phần trách nhiệm và năng lực của mình. Do đó, những phát minh hay cải tiến kỹ thuật của các nhà khoa học, chuyên viên cấp cao đối với việc sản xuất ở nông thôn hiện nay là không đáng kể.
Cái lỗi là một bài học rõ ràng: Trí thức phần lớn vẫn nặng về lý thuyết nên xa rời thực tế, chưa thể đóng góp một cách xứng đáng và tâm huyết hơn đối với những khó khăn dồn dập, quanh năm của bà con nông dân trong việc chống lại sâu bệnh, dịch bệnh.
Thứ tư, sáng tạo kỹ thuật của bác nông dân DVT có vai trò hết sức quan trọng. Chỉ làm một con tính nhỏ cũng dễ dàng thấy rõ điều này. Diện tích trồng lúa của cả nước hiện nay khoảng 7,6 triệu ha. Mỗi năm trung bình 5% diện tích ấy bị rầy nâu thì có nghĩa là chỉ riêng việc tiết kiệm, đã làm lợi cho người nông dân hàng tỷ đồng! Đó là khoản tiền không nhỏ.
Thứ năm, từ những giá trị thiết thực, rộng lớn trên đây của một sáng kiến “nhỏ”, hoàn toàn có thể khẳng định việc đẩy mạnh và nhân rộng hơn nữa phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của người lao động trên cả nước là một việc cần thiết. Tiềm năng không thiếu, chủ trương và định hướng rất rõ ràng; vậy, tại sao lại chưa làm thật mạnh mẽ, đều khắp?
Câu chuyện của bác nông dân DVT được báo chí đăng tải cùng lúc với việc ở Phương Lý Tây, Nghĩa Phương, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, cả làng hiến máu để cứu một người bệnh bị băng huyết đang thập tử nhất sinh (TN, 12-8-2008).
Hai chuyện sáng kiến chống rầy nâu và hiến máu hoàn toàn khác nhau. Nhưng cả hai đều có chung một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là, cho dù nền kinh tế thị trường đang tấn công ồ ạt và làm xói mòn các giá trị truyền thống nhưng nông thôn Việt Nam vẫn vẹn nguyên cái tinh chất đùm bọc, sẻ chia và sức sống sáng tạo không ngừng của nó.
Do vậy, tam nông không chỉ là một mệnh lệnh của nhận thức mà phải được coi là động lực, mục tiêu của toàn xã hội. Đã từng xảy ra không ít lần người nông dân chờ đợi giới trí thức giúp trừ diệt bệnh này, dịch nọ nhưng các trường đại học chung quanh địa bàn vẫn không hề coi đó là một trách nhiệm của mình (?) Chuyện về cây hồ tiêu bị bệnh ở Quảng Trị mà báo Lao Động năm ngoái đã nhiều lần kêu cứu, cảnh báo là một trong những dẫn chứng điển hình.
Bác nông dân DVT đã làm được điều phi thường nhưng phải tốn rất nhiều thời gian, công sức. Nếu có sự hỗ trợ của những người được đào tạo bài bản, có trình độ cao thì nhất định sẽ tiết kiệm được rất nhiều cho xã hội. Tất nhiên, không chỉ tính về vật chất. Tại sao giới trí thức vẫn chưa thật sự bắt tay vào để cùng với nông dân thực hiện cuộc “cách mạng” tam nông?
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Nông dân và tam nông
Thứ Sáu, 15/08/2008, 08:58 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.