Bộ máy hành chính đang phình to đến mức đáng ngạc nhiên: Tin từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở VH-TT-DL sẽ có đến 9 phó GĐ, Sở Nội vụ và Sở NN-PTNT đang có 7 phó GĐ và Sở Công thương là 5 phó GĐ… Trong khi đó, theo Nghị định 13/2008, Chính phủ đã quy định số lượng phó GĐ sở các tỉnh, thành không quá 3 người, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là không quá 4 người(!)?
Điều đáng phải băn khoăn trước tiên là tại sao địa phương cứ “căn cứ vào khối lượng công việc thực tế” để bất chấp mệnh lệnh của Chính phủ? Nếu ai, chỗ nào cũng có thể tùy nghi bố trí theo cách đó thì rõ ràng còn lâu mới giải quyết được vấn nạn “phép vua thua lệ làng”.
Nghịch lý của vấn nạn này còn trầm trọng ở chỗ, đã bất tuân thượng lệnh một lần thì lần sau cứ thế; nơi này làm được, nơi khác tất nhiên cũng cứ làm và không sao cả thì còn gì kỷ cương, phép nước? Nghịch lý tiếp theo là người dân băn khoăn tự hỏi rằng có nơi nào trên thế giới bộ máy hành chính lại “lắm việc” nhiều người như thế không? Câu trả lời là không, vì đó là kỷ lục duy nhất của Việt Nam! Rõ ràng, nếu xét về cả dân số hay diện tích, nhất là tổng GDP thì Việt Nam luôn ở thứ hạng thấp. Nếu đúng là như thế thì nghịch lý của nước ta là điều cần phải kiên quyết thay đổi.
Đi cùng với thông tin trên là thông tin cũng của TP. Hồ Chí Minh là từ năm 2003 đến nay đã có đến 6.500 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc Nhà nước để ra làm cho tư nhân. Hai dẫn liệu trên quả là đang giẫm đạp lên nhau. Một đằng thì “ra riêng” ào ạt, một đằng lại bổ nhiệm tràn lan (?), dư luận hoang mang vì quả thực là khó hiểu. Tuy nhiên, nếu ngẫm cho kỹ sẽ thấy chuyện bổ nhiệm để phình to bộ máy và không ít người chán việc, bỏ nhiệm sở là chuyện “hai trong một”. Sở dĩ có cơ sở để khẳng định tính chất “hai trong một” là do những nguyên nhân sau đây.
Một là, những người có thực tài khó chấp nhận tình cảnh công việc cứ chồng chéo nhau, quyền hạn thì không rõ ràng; nói tóm lại là cha chung không ai khóc trong khi lương thấp, không được tôn trọng đúng mức. Hai là, có rất nhiều người thích có chức, có quyền nhưng tài năng hạn chế; do đó, được gì hay nấy, cứ bám lấy ghế để tồn tại làm cấp trên muốn thay cũng không nổi, muốn đổi cũng không xong. Ba là, tính chất quan liêu, cồng kềnh của bộ máy hành chính hiện nay tạo nên sức ỳ cực lớn, tạo nên tình trạng tách, nhập không có kế hoạch, thiếu lộ trình khoa học nên mọi gánh nặng lại dội ngược trở lại vào chính bộ máy.
Không thể biện minh là công việc quá nhiều nên phải sinh ra nhiều cấp phó. Có những cường quốc chỉ có một phó tổng thống đó thôi. Nếu một tháng có năm sáu chục cuộc họp, một tuần họp giao ban hết một buổi thì nhiều cấp phó là phải. Thời gian thực làm của các công chức thời nay chỉ còn lại 2-3 ngày trong một tuần (!). Vì thế, muốn thay đổi, sự đồng bộ của cả cơ chế là điều quan trọng nhất. Ưu tiên số một là mọi mệnh lệnh cấp trên phải được thi hành. Một khi trên dưới phân minh, chế tài rõ ràng, trách nhiệm cụ thể thì không thể có chuyện cấp trên và cấp dưới cứ mâu thuẫn với nhau về cả cách hiểu lẫn cách chấp hành.
KHÁNH CHI
.
.
Siêu bộ máy
Thứ Ba, 12/08/2008, 09:15 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.