.

Soi sáng đường chúng ta đi

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trang chói lọi trong lịch sử dân tộc, niềm tự hào không chỉ với người Việt Nam hôm nay mà còn với nhiều thế hệ mai sau. Nhưng tự hào về Cách mạng Tháng Tám không chỉ là chiêm ngưỡng ánh sáng quá khứ mà còn phải để tinh thần của  nó tiếp tục thấm sâu vào cuộc sống, tạo nên những kỳ tích mới của hôm nay.

Nhìn về trước thời điểm tháng 8-1945, nước ta chìm đắm trong mấy trăm năm xã hội phong kiến mục nát, các tập đoàn Lê-Trịnh-Nguyễn lục đục cắn xé lẫn nhau. Trong “đêm trường dạ tối tăm trời đất” (Văn chiêu hồn-Nguyễn Du) ấy, lóe lên tia chớp phong trào Tây Sơn lẫm liệt, đánh tan hai đạo quân xâm lược hùng hậu ở hai đầu đất nước, thống nhất giang sơn. Nhưng phong trào Tây Sơn nhanh chóng tàn lụi, một phần vì sự ra đi quá sớm của Nguyễn Huệ nhưng một phần vì hệ tư tưởng của Tây Sơn vẫn chỉ trong khuôn khổ của tư tưởng phong kiến đã lạc hậu trước đòi hỏi của thời đại.

Nhà Nguyễn vào thời kỳ đầu có công lớn trong mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước, xây dựng chế độ phong kiến tập quyền. Nhưng trước sức ép ngoại xâm, nhà Nguyễn không đủ sức đoàn kết toàn dân, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc cho nên đã mất dần sự ủng hộ của sĩ phu và dân chúng, trở nên yếu ớt, phản động, đầu hàng từng bước trước thực dân Pháp, cuối cùng để non sông rơi vào tay giặc. Từ đó là đêm trường gần 80 năm nô lệ ngoại bang, 20 triệu dân một cổ 2 tròng, lầm than cơ cực.

Khi đứng lên đánh đuổi ngoại xâm, nhân dân ta vừa trải qua một trận đói khủng khiếp khiến 2 triệu người (10% dân số) chết; 95% dân số không biết chữ; kinh tế kiệt quệ trong khi trên dải đất hình chữ S là quân Pháp, quân Anh, quân Nhật và lăm le từ ngoài biên giới là 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy, với lòng tin và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhân dân ta với tầm vông, giáo mác đã nhất tề đứng lên dưới ngọn cờ khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập chính thể cộng hòa đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
 
Sức mạnh trời long đất lở đó, trước hết không bởi súng đạn, binh pháp  mà từ lòng dân. Thế thắng như chẻ tre, chỉ ít ngày thu hồi được giang sơn từ tay giặc. Trước hết từ sự nhất trí về chính trị, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng chính trị dựa vào khối đoàn kết toàn dân.

Bài học Cách mạng Tháng Tám còn gắn liền với những năm tháng bảo vệ chính quyền vô cùng gian khổ sau đó và gần 30 năm chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất Tổ quốc, phá vòng vây cô lập, đưa nước ta hội nhập với thế giới, bước trên con đường phát triển.

Bối cảnh lịch sử ngày nay đã thay đổi, không còn giặc giã, không còn bom đạn, không còn đòi hỏi phải sẵn sàng hy sinh xương máu nhưng sự gian khổ để vượt qua lạc hậu, đói nghèo không hẳn đã thua kém giai đoạn lịch sử trước. Với những người thuộc thế hệ Cách mạng Tháng Tám, cuộc sống hôm nay quả là đã thay đổi một trời một vực so với ngày xưa.

Nhưng với thế hệ sinh ra vào những năm cuối của thế kỷ 20, họ vô cùng bức xúc thấy chúng ta còn  một khoảng cách quá xa để sánh ngang được với nhiều nước, ngay cả những nước láng giềng và rút ngắn được khoảng cách đó là vô cùng khó khăn. Chỉ so sánh về GDP bình quân theo đầu người thôi, Singapore là 31.400 USD (năm 2006), Hàn Quốc là 25.000 USD (năm 2007), Hồng Kông là 30.000 USD thì Việt Nam trên dưới 800 USD.

Vấn đề không chỉ ở chỗ phấn đấu để GDP tính theo đầu người theo kịp các nước đó mà điều có tính chất sống còn là tạo được sự phát triển vững chắc của toàn bộ nền kinh tế từ cơ sở hạ tầng; trình độ lao động; trình độ khoa học-công nghệ; chất lượng cuộc sống của người lao động; phúc lợi công cộng; sự công bằng xã hội và nhiều chỉ tiêu khác.

Thực hiện các mục tiêu đó là thử thách to lớn. Hơn bao giờ hết, để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đói nghèo, cần tiếp tục phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, không cam chịu đói nghèo, tụt hậu, nâng cao hơn nữa lòng tin của dân vì có dân là có tất cả, vì nói như Phan Bội Châu “Dân là của Nước, Nước là của Dân”. Với ý nghĩa đó, tinh thần của Cách mạng Tháng Tám - 1945 còn nguyên tính thời sự, luôn thôi thúc chúng ta.       

Thanh Bình

;
.
.
.
.
.