.

Suy nghĩ dưới chân Đài Tưởng niệm

Đài Tưởng niệm tọa lạc ngay trên Quảng trường 29-3, gần vị trí trung tâm thành phố đã trở thành một điểm nhấn văn hóa lịch sử quan trọng của Đà Nẵng.

Gần 20 năm qua, vóc dáng thanh cao và uy nghi của Đài Tưởng niệm ngày càng in đậm trong tâm trí người dân, khiến ai trong chúng ta mỗi khi dừng bước qua đây cũng đều kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của biết bao đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì nền Độc lập, Tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống yên lành hôm nay.

Chúng ta cũng vô cùng biết ơn nhiều tầng lớp nhân dân, những người đi trước, với bao công sức, trí tuệ cộng với sự tinh xảo nghề nghiệp của những người thợ và nhà điêu khắc... đã để lại cho Đà Nẵng một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật xứng tầm.

Đến giờ này, chắc chắn không địa điểm nào trong thành phố lại có cảnh quan đẹp và là vị trí sum họp tốt nhất cho người dân trong những ngày lễ, hội như cảnh quan khu vực Đài Tưởng niệm. Tuy vậy, chắc cũng không ít người dân thành phố sẽ đồng tình với chúng tôi những băn khoăn về “tình cảnh cô đơn”, lạc lõng giữa một khuôn viên quá nhiều nhếch nhác, lộn xộn mà Đài Tưởng niệm đang “gặp” phải. Không rõ vì lý do gì mà toàn bộ cảnh quan kiến trúc chung quanh Đài Tưởng niệm dường như

bị bỏ mặc để đất hoang, cỏ dại, không được quan tâm tôn tạo, nâng cấp, khiến cả một không gian văn hóa tâm linh trở nên quá nhạt nhòa. Một “rừng” quán nhậu cao cấp có, bình dân có hằng ngày, hằng giờ lấn chiếm, bao vây Đài Tưởng niệm. Xe cộ đậu đỗ bừa bãi, vừa gây mất vệ sinh môi trường, làm xấu cảnh quan, khiến du khách phiền lòng. Nhiều khi họ băn khoăn tự hỏi: Không hiểu “Thành phố môi trường” như Đà Nẵng sao lại có thể chấp nhận những “nghịch cảnh” như vậy tồn tại ngay giữa lòng thành phố?

Nên chăng các cấp chính quyền cần sớm có phương án tái quy hoạch lại toàn bộ khu vực Đài Tưởng niệm, kể cả chấp nhận tốn kém thêm chi phí cải tạo, để kiến thiết khuôn viên Đài Tưởng niệm trở thành Quảng trường lớn, không chỉ là nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, mà còn là tụ điểm văn hóa lịch sử tâm linh, khu bảo tàng, công viên giải trí... xứng tầm vai trò một trong những thành phố lớn nhất miền Trung. Cần thiết tổ chức cuộc thi tuyển rộng rãi để thu hút các ý tưởng kiến trúc độc đáo, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng đóng góp tinh thần và vật chất xây dựng khu Quảng trường. Tin chắc rằng mọi người dân sẽ ủng hộ mạnh mẽ chủ trương này của lãnh đạo thành phố như đã từng ủng hộ hết mình đối với công trình cầu Sông Hàn đã trở thành biểu tượng của Đà Nẵng.

Đã gần đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, đặc biệt, không bao lâu nữa thành phố sẽ kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2010). Mỗi dịp kỷ niệm lớn của đất nước và của thành phố là cơ hội để người dân có dịp sum họp và tận hưởng không khí văn hóa lịch sử tại nơi Quảng trường này, không chỉ hoành tráng, văn minh, mà còn ấm áp tình người, mang nặng bản sắc riêng của Đà Nẵng.

THANH THỦY

;
.
.
.
.
.