.

Thách thức trực diện

Tin phát đi từ TP. Hồ Chí Minh. Tiếp đến là Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... lan truyền như hiệu ứng domino, với sự hỗ trợ của Internet và điện thoại di động. Dường như thị trường đang sụp đổ kể từ ngày 5 tháng 8 năm 2008? Không, đó chỉ là tin đồn! Người tiêu dùng xôn xao vì tin đồn xăng lại tăng giá.

Các cây xăng mở hết công suất vẫn không phục vụ kịp nhu cầu đột biến của người dân. Đến khoảng 20 giờ, tình hình mua bán tại các cây xăng mới được vãn hồi, thị trường được bình ổn trở lại. Dù vậy, nhiều người vẫn chưa hết run vì quá nhẹ dạ ôm “bà hỏa” về nhà trước một thông tin đồn nhảm.

Như vậy, trong vòng chưa đầy 3 tháng, có hai tin đồn “động trời” tác động sâu rộng trong dân chúng, gây xáo động thị trường. Những tin thất thiệt này cùng có những điểm chung là lợi dụng tâm lý không ổn định trong dân chúng nhằm mục đích trục lợi, lũng đoạn thị trường, giá cả. Những tin đồn nhảm nhằm vào những mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu là lương thực của đời sống và lương thực của nền kinh tế: gạo và xăng dầu.
 
Các thông tin thất thiệt này được đưa ra ngay sau khi Chính phủ đưa ra những quyết sách quan trọng, đặc biệt là đẩy mạnh quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, nhằm từng bước ổn định thị trường, giá cả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Cũng có thể nghĩ đây là một thách thức trực diện của “quyền lực đen” đối với sự vận hành nền kinh tế của chúng ta chăng?

Tin đồn này phát xuất từ một thành phố phía Nam lan rất nhanh ra miền Trung và gây ra cơn sốt tức thời ngay khi có thông tin. Điều đó cho thấy những kẻ xấu nghiên cứu rất kỹ lưỡng mức độ tác động của thông tin đối với người tiêu dùng và thời điểm tung tin cũng rất nhạy cảm. Mục tiêu phát triển bền vững của chúng ta đang đứng trước những thách thức nghiệt ngã, ít ra là từ phương diện an ninh mà cụ thể là mối đe dọa từ tệ nạn đầu cơ.

Tuy nhiên, qua những “sự biến” tin thất thiệt vừa qua cho thấy một bộ phận nhân dân còn mang nặng tâm lý bầy đàn, đám đông, chưa tự “quản trị” được được hành vi của mình. Trước những thông tin có thể gây tổn hại trực tiếp, một bộ phận đông đảo người dân đã không có bất kỳ sự cân nhắc nào. Kẻ tung thông tin biết rõ điều này. Chúng khai thác hết sức tinh vi và triệt để. Trước tình hình này chúng ta phải làm gì? Trước hết, về chủ quan, chúng ta cũng cần khắc phục tâm lý thiếu ổn định trong dân chúng mà biện pháp quan trọng nhất là chính sách kinh tế phải được ổn định lâu dài và phải được phổ biến rộng rãi, kịp thời cho nhân dân. 

Những kẻ tung tin đồn thất thiệt gây tổn hại cho người dân phải được nghiêm trị trước pháp luật - đó là cách hành xử ở một nền kinh tế được quản lý bởi luật pháp và giao ước tự nhiên. Đó cũng là quyết tâm của Nhà nước trong thời điểm hiện nay. Nhưng một thực tế không thể không nói đến là tình trạng “bỏ sót tội phạm”. Đã rất nhiều vụ tung tin thất thiệt, nhưng đến nay vẫn chưa có đối tượng nào bị công khai đưa ra xử lý. Đó chính là một trong những lý do để kẻ tung tin lộng hành, phá hoại cuộc sống hàng triệu người dân.     
                                
MINH LONG

;
.
.
.
.
.