.

Thời cơ là vàng

Một bài báo nhỏ đăng trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật vừa qua, tưởng chừng chẳng liên quan gì đến việc Hà Nội đang ngổn ngang công việc những ngày đầu ra mắt đơn vị hành chính mới, chẳng liên quan gì đến việc tăng giá xăng dầu hay việc chống lạm phát hóa ra lại gợi rất nhiều suy nghĩ.

Bài báo ấy có tên là “Người dân Bangkok chen nhau lên xe buýt”. Số là trước tình hình giá xăng dầu tăng, Chính phủ Thái Lan  quyết định  chi ngân sách tài trợ  cho các hãng xe buýt trong 6 tháng để người nghèo được đi xe miễn phí. Chỉ trong ngày đầu tiên thực hiện chính sách này, số người đi xe buýt  đã tăng gấp đôi những ngày trước đó, mặc dù người dân Bangkok vốn đã có thói quen sử dụng loại phương tiện này. Từ câu chuyện này, có thể vận gì vào chúng  ta?

Sau ngày giá xăng dầu tăng, đi đâu cũng thấy bàn 2 chuyện: Lối thoát nào cho các doanh nghiệp trong tình hình lạm phát; giá xăng dầu tăng và tiết kiệm năng lượng. Lần đầu tiên, người Việt Nam nghe một cách nghiêm túc chuyện đi bộ, đi xe đạp thay cho ô-tô, xe máy; chuyện dùng các nguồn năng lượng khác như điện mặt trời, điện gió, điện khí sinh học thay cho điện lưới; kinh nghiệm pha etanon vào xăng để chạy ô-tô; chuyện mặc những loại quần áo tiết kiệm năng lượng. Lần đầu tiên thấy ngư dân bàn cách dùng loại lưới mắt thưa hơn để giảm lực cản, tiết kiệm dầu.

Cũng lần đầu tiên thấy xuất hiện trên đường phố những đoàn diễu hành cổ vũ cho tiết kiệm điện. Trong giao thông, chủ ô-tô hay xe máy đã bắt đầu tính toán đến cự ly, tay ga để tiết kiệm xăng và không ai bảo ai, số người đi xe buýt vé đồng hạng (rẻ như cho) ngày một đông. Từ một cú hích là tăng giá xăng dầu, ý thức tiết kiệm trong người dân bắt đầu được đánh thức, không phải vài người lẻ tẻ mà là một xu thế xã hội. Phải chăng đó là một thời cơ?  Từ kinh nghiệm Thái Lan, có một cách nào đó của ta, tạo thói quen đi phương tiện công cộng sâu rộng hơn trong người dân vào dịp này chăng, điều mà nhiều năm nay đã vận động nhưng vẫn chưa như mong muốn.

Ngày đầu tuần này, Hà Nội ra mắt bộ máy công quyền mới. Theo công bố của HĐND thành phố, số cán bộ, viên chức của thành phố Hà Nội hiện vào khoảng trên 100.000 người,  tăng gần gấp đôi  trước khi sáp nhập; dân số tăng thêm 2,2 triệu người; ô-tô, xe máy tăng thêm hàng chục vạn. Cũng như không ít tỉnh, thành phố khi tách, nhập, nhu cầu đi lại của người dân, của cán bộ, công nhân, viên chức đến công sở, đơn vị làm việc và trở về nhà hằng ngày là rất lớn.

Với đoạn đường vài chục cây số, nếu phương tiện công cộng không thuận lợi, người ta sẽ đi xe máy hoặc xe phúc lợi của đơn vị đi làm,  lãng phí và tai nạn chắc chắn sẽ tăng lên. Vậy đây có phải là thời cơ để mở các tuyến giao thông công cộng giá rẻ (hoặc bước đầu miễn phí) tạo thói quen ngay từ đầu cho người tham gia giao thông? Nếu Hà Nội đi đầu làm tốt việc này, biết đâu chẳng trở thành kinh nghiệm cho nhiều tỉnh, thành phố khác?

Vấn đề ách tắc và tai nạn giao thông nhiều năm nay là bài toán nan giải. Nhưng trong lúc chúng ta lúng túng thì tiếng nói tư vấn của hầu hết các chuyên gia nước ngoài, ngay cả với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan đều gặp nhau ở một điểm, đó là cách đây vài chục năm, giao thông ở nước họ cũng vậy và họ đã giải quyết được, Việt Nam không nên quá bi quan về vấn đề này, điều quan trọng là có giải pháp đúng và kiên nhẫn thực hiện.

Vậy việc mở cửa xe buýt miễn phí trong 6 tháng  của Thái Lan  có phải là một “liệu pháp sốc” để nắm lấy thời cơ  nhằm tiếp tục giải quyết bài toán giao thông? Thời cơ luôn là một trong những nguyên nhân của thắng lợi nhưng thắng lợi hay không, còn tùy vào năng lực nắm bắt và tranh thủ được thời cơ.                

Vũ Duy Thông

;
.
.
.
.
.