.

Tiếp dân tại sân vận động

Sáng 8-8-2008 - ngày đại cát, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng (LĐĐN) đã tổ chức buổi tiếp dân “lịch sử” với sự tham gia của gần 2.000 người tại sân vận động phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Đây có thể coi là một kỷ lục ở Việt Nam. Và, chính vì thế, nó có rất nhiều điều đáng bàn cũng như rất nhiều ý nghĩa.

Vấn đề mà LĐĐN chủ động “gợi” ra cho dân nói, dân bàn là vấn đề nóng nhất của thời cuộc: Giải tỏa đất đai và đền bù, ổn định cuộc sống của người dân sau giải tỏa. Cách đặt lên bàn tiếp dân chỉ duy nhất một vấn đề như thế đã là điều rất đáng được hoan nghênh. Từ trước đến nay, ở nhiều nơi, có rất nhiều cuộc tiếp dân diễn ra thật hình thức.

Thậm chí, cố tình đưa ra thật nhiều chuyện để nói nhưng cái “huyền ảo” lại có đích hẳn hoi: Dân có thể kêu rất nhiều nhưng “cái độ loãng cơ bản” ấy làm cho sự trả lời thật là dễ dàng, đến mức, nhiều khi đã trả lời rồi nhưng vẫn chưa có gì cả! Điều tiếp theo cần bàn là, việc có đến hai ngàn con người chờ gặp lãnh đạo phản ánh một thực tế rằng, những bức xúc của người dân (không riêng gì ở Đà Nẵng) nhiều lắm. Không có gì thuyết phục được người dân nhiều hơn bằng việc không né tránh những câu hỏi hắc búa, nhưng gắn liền với quyền lợi sát sườn của họ. Đó là chưa nói chuyện việc nhìn thẳng và nói rõ sự thật là con đường ngắn nhất để khẳng định rằng chính quyền đang làm đúng.

Các ý kiến của người dân đưa ra không kém phần sôi nổi. Bên cạnh cái tất nhiên bàn về những quyền lợi riêng tư bởi giải tỏa bao giờ cũng hàm chứa sự thiệt thòi cho một số người, thì đã có không ít người dân đã nói ra những điều và mong muốn chính quyền chia sẻ, giúp đỡ. Chẳng hạn ý kiến của ông Nguyễn Liên, đại diện người dân ở thôn Lỗ Giáng 2. Ông Liên cho rằng phần lớn nông dân khi giải tỏa (các chủ gia đình) đều trên 40 tuổi, việc tiếp cận với ngành nghề mới là rất đỗi khó khăn, là điều phải được Nhà nước ưu tiên xem xét để tìm cho bằng được giải pháp tối ưu nhất.

Làm sao các xí nghiệp hay công ty dịch vụ có thể nhận những người trên dưới 40 tuổi vào làm việc? Nếu lứa tuổi đó không thể chuyển nghề thì làm sao họ sống nổi, một khi tiền đền bù cho giải tỏa sẽ nhanh chóng biến mất vì “miệng ăn, núi lở”?...

Buổi tiếp dân tưởng chừng như căng thẳng nhất đã trở thành buổi tiếp được người dân thỏa mãn nhất. Khi mà thắc mắc được khai thông, hiểu lầm được giới hạn, trên và dưới đều tìm thấy một sự đồng thuận trong cách hiểu thì mọi việc “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Cách làm của Đà Nẵng thật đáng trân trọng vì đó có lẽ là một trong những giải pháp hay nhất đối với việc giải quyết mọi vấn đề bức xúc hiện nay. 

Cách mà Đà Nẵng đã và đang làm rất cần được nhân lên nhiều hơn nữa trên tất cả các địa phương cả nước.  

HÀ VĂN THỊNH (Đại học Khoa học Huế)

;
.
.
.
.
.