.

Tội phạm tuổi teen

Năm hung thủ dùng mã tấu chém người, trong đó 4 đang ở tuổi teen; sinh viên trường CĐSP đánh thầy giáo đến mức bị trọng thương; ba nữ sinh 16 tuổi chặn đường một nữ sinh lớp 9 rồi rút dao đâm nạn nhân thủng phổi… Những tin đau lòng như thế hầu như tuần nào cũng có nên không thể gọi là hiện tượng mà phải báo động thực sự về tình trạng tha hóa về đạo đức, lối sống của thanh-thiếu niên thời nay.

Chuyện nữ sinh 16 tuổi có thể thản nhiên rút dao đâm bạn cùng trang lứa là loại tội phạm hiếm, thậm chí trên phạm vi toàn thế giới. Nói như thế để thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Nguyên nhân ở đâu? Những lý giải chung chung như trước đây về gia đình, môi trường, xã hội là điều mà hầu như ai cũng biết. Cái cần thiết hiện nay là các nhà giáo dục, xã hội học, tâm lý học cần phải vào cuộc một cách rộng rãi và nghiêm túc để tìm ra câu trả lời đủ và đúng nhằm  đưa ra một phác đồ điều trị đúng cho căn bệnh nặng của xã hội hiện nay.

Trước hết phải thấy rằng việc gia tăng tội phạm tuổi teen liên quan trực tiếp đến tình trạng hàng trăm ngàn học sinh bỏ học. Muốn nói gì thì nói, tuổi teen là tuổi dễ bị mất phương hướng, dễ bột phát và nông nổi nên việc hàng chục vạn em học sinh bỏ học sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng. Hãy hình dung rằng chỉ vài phần trăm của số “cựu” học sinh đó hư hỏng thì đã tạo ra hàng ngàn tội phạm các loại rồi. Bên cạch chuyện bỏ học, đang ngồi trên ghế nhà trường vẫn phạm tội một cách vô cảm thì lý giải ra sao? Một thực tế ở các trường học - kể cả trường đại học, học sinh, sinh viên nói tục, chửi thề, hỗn láo gần như bị thả nổi.
 
Bằng chứng rõ nhất là xếp loại đạo đức cuối năm, số học sinh yếu kém rất ít. Nếu chúng ta tin rằng việc nói tục không liên quan gì đến tội phạm thì quả là rất sai lầm bởi khoảng cách từ những câu chữ tục tằn đến gây hấn, bạo lực chỉ có một bước. Chương trình giáo dục hiện nay (đặc biệt là giáo dục đạo đức) nặng về lý thuyết vì thế không hiệu quả. Những khái niệm như nếp sống lành mạnh, tác phong đúng đắn được giảng dạy một cách mơ hồ, trừu tượng. Không thể phủ nhận một thực tế nữa là các trò chơi games trên mạng hiện nay quá nhiều bạo lực.

Hầu như games nào cũng đẫm máu và kích động thú tính. Trách nhiệm thuộc về gia đình trong việc giáo dục tinh thần “dân chủ có hướng dẫn” hay là “dân chủ được kiểm soát”. Làm thế nào để lôi những đứa trẻ ra khỏi quán net? Đây là một câu hỏi cực khó vì nó phụ thuộc vào chương trình học ở nhà, ở trường. Chẳng hạn, nếu nhà trường không có hoạt động nào thú vị thì học sinh sa vào net là chuyện đương nhiên. Bên cạnh các yếu tố trên, sự dậy thì quá sớm của trẻ em ngày nay cũng là điều đang bị nhà trường và gia đình coi nhẹ.

Báo chí cho biết là tuổi 9x quan niệm rằng đã yêu thì phải “củ cải” (tức phải quan hệ tình dục)(!) Đó là một từ ghê người mà các thế hệ cha, anh chúng không thể hình dung nổi. Phải chăng cách thức giáo dục mà các thế hệ cũ áp dụng cho thế hệ teen hiện đang sai lầm về phương hướng, lạc hậu về phương pháp và bất cập về mặt nhận thức? Chẳng hạn, tham nhũng nhiều như thế, tiêu cực của người lớn đầy trên các mặt báo tất nhiên sẽ tác động rất xấu đến thế hệ trẻ…

Mặt trái của nền kinh tế thị trường đang “ươm” rất nhiều những lệch lạc. Trách nhiệm trước hết thuộc về người lớn. Năm học mới đang đến gần. Đã đến lúc phải có một chiến lược toàn diện và hiệu quả để thay đổi cách thức giáo dục. Nếu chậm trễ thì e rằng sẽ là quá muộn…

Khánh Chi

;
.
.
.
.
.