.

Ứng dụng nguồn “năng lượng thay thế”

Không phải đến năm 2008, khi mà giá dầu thế giới tăng vọt mức kỷ lục (có lúc chạm ngưỡng 150 USD/thùng vào tháng 7-2008), vấn đề năng lượng thay thế mới được đặt ra. Nhưng phải công bằng mà nói, vấn đề này hiện đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Ở Đà Nẵng, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng là người đi tiên phong và rất tâm huyết trong lĩnh vực này. Nhiều năm trước, sản phẩm “Xe thu gom rác cỡ nhỏ chạy bằng gas” với mức giá thành sản phẩm dao động từ 20-22 triệu đồng/chiếc do ông làm chủ nhiệm đề tài được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn đã đem lại những kết quả khả quan.
 
Không dừng lại ở đó, trong thời gian gần đây, GS-TSKH Bùi Văn Ga lại nhắm đến nguồn “năng lượng bền vững” mà cụ thể là năng lượng biogas. Theo ông, sử dụng biogas không chỉ giải quyết vấn đề năng lượng mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây là nguồn năng lượng tái sinh làm giảm hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển. Gần 80% dân số Việt Nam sống ở nông thôn nên nguồn khí biogas được xem là rất dồi dào.

Cũng với đề tài sử dụng năng lượng thay thế, vào năm 2006, nhóm nghiên cứu của TS Trần Hải Thanh Tùng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cũng đã bảo vệ thành công đề tài “Nghiên cứu ứng dụng hỗn hợp cồn xăng tối ưu cho xe gắn máy động cơ 4 kỳ”. Mục đích của đề tài là tìm ra nguồn nguyên liệu khác mà nước ta có thể chủ động tạo ra nhằm tiết kiệm chi phí, tạo động lực cho nông nghiệp nói chung phát triển, bởi sản xuất cồn tận dụng được những phế phẩm từ nông nghiệp như bã mía, vỏ trấu, một số loại cây xanh…

Nhìn chung, các đề tài nghiên cứu sử dụng năng lượng thay thế xăng dầu, mặt lợi của nó quá rõ và càng dễ nhận thấy trong thời buổi giá xăng dầu thế giới phập phù ấm lạnh liên tục như bây giờ. Song có một điều mà các nhà khoa học cũng nên biết: đó là người dân quan tâm nhiều đến các sản phẩm này nhưng lại… không mặn mà.

Dự án xe máy, taxi chạy bằng gas chộn rộn lên một thời rồi sau đó thì nguội lạnh. Nguyên nhân trước hết do yếu tố tâm lý vì mọi người chưa dùng nên chưa quen, bên cạnh đó, có một thực tế là người ta không biết lấy đâu ra chỗ nạp gas khi xe hết gas nửa chừng. Ngay cả dự án taxi “xanh”, dần dần cũng phải chuyển đổi động cơ chạy gas thành động cơ chạy xăng cũng bởi vướng mắc trên. Rồi đây, các nguồn năng lượng khác thay thế đang được nghiên cứu để ứng dụng vào thực tiễn như biogas, cồn… liệu có đi vào “vết xe đổ” như động cơ sử dụng gas chăng?

Có một thực tế làm cho các nhà khoa học băn khoăn, trăn trở là nghiên cứu đề tài đã khó, nhưng ứng dụng đề tài ấy vào thực tế còn khó hơn nhiều. Trong khi các cấp chính quyền, trong những chừng mực có thể, đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ kinh phí để ứng dụng các đề tài này vào cuộc sống thì nhà khoa học vẫn vấp phải nhiều rào cản. Đó là người dân rất khó từ bỏ thói quen sử dụng nhiên liệu xăng dầu trong đời sống và các đơn vị cung ứng (gas, cồn… và các nhiên liệu khác thay thế xăng dầu) không mặn mà với các sản phẩm này vì họ phải đầu tư trang thiết bị với chi phí lớn nhưng khó có lãi, thậm chí khả năng thu hồi vốn cũng rất chậm chạp...

Đặt ra những câu hỏi này để thấy rằng, khả năng ứng dụng vào cuộc sống, kể cả những đề tài đặc biệt có ý nghĩa quan trọng như “tìm năng lượng thay thế xăng dầu” như hiện nay, vẫn không hề đơn giản. Một mặt, nhà khoa học cần lưu tâm hơn nữa hiệu quả ứng dụng đề tài của mình trong thực tế, mọi người cần thay đổi thói quen tiêu dùng theo chiều hướng có lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
 
Những đề tài thực sự hữu ích, bên cạnh việc hỗ trợ vốn ứng dụng đề tài, Nhà nước cũng cần có biện pháp hỗ trợ ban đầu đối với nhà cung cấp dịch vụ sản phẩm mới để họ yên tâm sản xuất, kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến khích tiêu dùng. Có như vậy, nguồn năng lượng thay thế mới thật sự góp phần ổn định an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm đem lại ích lợi thiết thực trong các mặt của đời sống xã hội.                                                        

HUYỆN THÀNH QUỐC

;
.
.
.
.
.