.

Bài học từ khủng hoảng tài chính

Thị trường tiền tệ - tài chính Mỹ đang chao đảo ở mức độ cao trào với một loạt đại công ty đầu tư và ngân hàng nổi tiếng như: Bear Stearns - Fannie Mae – Freddie Mac – Merill Lynch – Lehman Brothers... bị lâm vào khủng hoảng toàn diện, buộc phải bán mình từng phần hoặc toàn phần cho các đối thủ cạnh tranh, đệ đơn lên tòa án xin bảo vệ phá sản, hoặc Chính phủ liên bang phải ra tay bảo hộ giải cứu với số tiền lên đến hàng trăm tỷ USD.

Với tư cách là nền kinh tế và là thị trường lớn nhất thế giới, khủng hoảng tại Mỹ ngay tức khắc có ảnh hưởng dây chuyền lan rộng đến toàn bộ thị trường tài chính - chứng khoán toàn cầu. Việt Nam đang trong tiến trình bước đầu hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, tuy có ảnh hưởng nhưng không đến mức độ gây hiệu ứng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô, trừ những dao động mạnh nhất thời ở một số phạm vi khá nhạy cảm và  liên thông mật thiết với thị trường quốc tế như giá vàng, ngoại tệ mạnh, chứng khoán...

Nhìn bề ngoài, khủng hoảng tài chính Mỹ dường như bắt nguồn chủ yếu từ sự sụp đổ của thị trường địa ốc khi giá bất động sản liên tục tụt dốc, hàng loạt khách hàng vay vốn mất khả năng thanh toán, buộc phải xiết nợ hoặc bán tháo tài sản nhà đất, dẫn đến một loạt ngân hàng lâm vào cảnh nợ nần khó đòi, mất thanh khoản.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ “lòng tham vô đáy” của các “cỗ máy đại gia” đầu tư tài chính và ngân hàng, do chạy theo mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng nhanh bằng mọi giá, bất chấp hậu quả rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt, hệ thống tài chính Mỹ đã đi quá xa trong việc lạm dụng kỹ thuật “Chứng khoán hóa tài sản” nhằm tạo lập ra nguồn vốn khổng lồ, nhưng thực sự rất mong manh, để đáp ứng tham vọng mở rộng không ngừng nghiệp vụ đầu tư tín dụng và đầu cơ trên thị trường bất động sản.

Một trong những nguyên tắc tối kỵ của đầu tư tài chính là tránh “bỏ trứng vào một giỏ” đã bị vi phạm nghiêm trọng, kể cả việc phớt lờ những tính toán cân nhắc thận trọng khi đánh giá độ bền vững của cân đối nguồn vốn với sử dụng vốn. Do bị dồn ép bởi áp lực cạnh tranh khắc nghiệt, hệ thống các tiêu chí cơ bản về chất lượng tín dụng và đánh giá độ tín nhiệm của khách hàng liên tục bị hạ thấp, thậm chí bị bỏ qua trong quy trình xét duyệt cho vay, là lý do quan trọng dẫn đến sự đổ vỡ mang tính dây chuyền của hệ thống.

Hiện nay, Bộ Tài chính và Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang khẩn trương phối hợp tái xét hàng loạt các quy định trước đây, chuẩn bị ban hành những quy chế kiểm soát ngặt nghèo hơn nhằm củng cố lại chất lượng vận hành của toàn bộ hệ thống đầu tư tài chính, ngân hàng và chứng khoán, có thể xem đây là thời điểm quan trọng nhằm mang lại đổi thay mang tính bước ngoặt cho định chế tài chính phức tạp vào diện bậc nhất thế giới của nước này.

Sẽ là rất khập khiễng khi so sánh sự tương quan phát triển giữa hệ thống tài chính - ngân hàng của Mỹ với Việt Nam. Tuy nhiên, việc đánh giá một cách nghiêm túc, trên tinh thần hết sức cầu thị về những diễn biến và sự cố lớn xảy ra trên thị trường tài chính nước Mỹ sẽ là cơ hội thực sự hữu ích cho toàn bộ hệ thống tài chính nước ta. Đặc biệt, do vừa mới trải qua chưa dứt “cơn bão lạm phát và thanh khoản”, hệ thống tài chính – ngân hàng Việt Nam càng nhận thức rõ hơn về những khuyết tật của chính mình, cảm nhận đúng đắn hơn về sự đánh đổi tất yếu giữa tăng trưởng và rủi ro, cũng như sự cần thiết phải nhanh chóng cải thiện một cách cơ bản năng lực điều hành kinh tế vĩ mô đi đôi với quản trị vi mô về chiến lược kinh doanh.

Cũng cần nói thêm rằng, bóng dáng của những “Gót chân A- sin” trong hệ thống tài chính Mỹ, đặc biệt là những “rủi ro chí mạng” trên thị trường tín dụng bất động sản, có nhiều nét tương đồng so với thực trạng đầu tư tín dụng hiện nay của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế toàn cầu, không sớm thì muộn chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn mà các nước phát triển đã và đang phải trải qua, nhất là những khó khăn trong việc quản lý nền kinh tế sao cho tương thích với dòng chảy vô cùng phức tạp của luồng vốn trong nước và nước ngoài.

Trên tinh thần đó, chúng ta cần có thái độ chủ động trong việc tiếp thu những gì đang diễn ra hôm nay trên thị trường tài chính Mỹ và thế giới, nên xem đó như là bài học “đáng giá đồng tiền bát gạo” cho chính hệ thống tài chính – ngân hàng Việt Nam.

VĨNH PHƯỚC

;
.
.
.
.
.