Trong mấy ngày qua, giữa bộn bề bao chuyện xảy ra mà ầm ĩ nhất là vụ “sữa bẩn” xuất xứ từ Trung Quốc, bức tử sông Thị Vải, ứng phó với cơn bão thứ 14..., vẫn không thể khuất lấp nỗi tang thương, bàng hoàng từ vụ TNGT khủng khiếp xảy ra hồi 4 giờ ngày 21-9 trên Quốc lộ 1A địa phận xã Diễn An, Diễn Châu (Nghệ An) giữa xe ô-tô khách BKS 47V-1875 do Vương Thanh Quang (1978), trú tại xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi điều khiển và xe container 77H-1518 do Đỗ Duy Hùng điều khiển, làm chết 16 người, bị thương 14 người. Cho đến sáng qua (25-9), vẫn còn 2 thi thể nạn nhân nữ chưa xác định được danh tánh, đành phải để bảo quản tại nhà xác chờ đợi tin tức thân nhân.
Cách đây chưa lâu, tại Hội nghị về ATGT 6 tháng đầu năm được tổ chức tại Đà Nẵng, dù TNGT phần nào đã được kiềm chế, giảm 1.200 vụ, giảm 989 người chết, 1.633 người bị thương, thế nhưng không mấy ai yên tâm khi TNGT trong 6 tháng vẫn xảy ra 6.462 vụ, làm chết 5.900 người. Cứ trung bình mỗi ngày cả nước có gần 32 người chết vì TNGT, và hàng chục người khác lâm cảnh tật nguyền với bao khó khăn chồng chất cho bản thân họ và gia đình.
Cùng thời gian, tại Đà Nẵng, con số thống kê cho thấy TNGT tuy giảm trên cả 3 mặt (số vụ, số người chết, người bị thương), song vẫn xảy ra 81 vụ làm chết 62 người, bị thương 60 người và 472 vụ va chạm nhẹ làm bị thương 489 người. Những con số này trở thành nỗi ám ảnh thường trực.
Qua nghiên cứu các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe khách liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây, một cán bộ Cục CSGTĐB-ĐS cho rằng, nguyên nhân gây tai nạn đều do lỗi chủ quan của người lái xe. Vụ TNGT nghiêm trọng vào ngày 21-9 được viện dẫn trên đây xảy ra là do lái xe khách Vương Thanh Quang chạy xe với tốc độ cao nên không xử lý kịp khi gặp tình huống bất ngờ, không làm chủ tay lái, lấn sang đường ngược chiều gây hậu quả thảm khốc.
Được biết hiện nay, hành vi vi phạm Luật Giao thông của lái xe ô-tô khách vẫn ở mức phổ biến, thường là do tư lợi và do công tác giáo dục về lương tâm, đạo đức của người lái xe chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó dẫn đến các hành vi sai phạm phổ biến: tranh giành khách, phóng nhanh vượt ẩu, tránh vượt sai quy định, điều khiển phương tiện khi uống rượu bia say...
Giải pháp để ngăn ngừa TNGT lâu nay đã được đề cập rất nhiều, song có thể nhận thấy việc áp dụng trên thực tế vẫn chưa triệt để. Bên cạnh công tác tuần tra kiểm soát của các lực lượng chức năng để ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm, ở những “điểm đen” cần duy trì và tăng cường hệ thống cảnh báo, hướng dẫn giao thông.
Đặc biệt công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ vi phạm Luật Giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cần được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật, tránh tình trạng nể nang hoặc coi trọng việc đền bù thiệt hại mà sao nhãng các hình phạt tù đối với lái xe gây TNGT. Gần đây, việc thử nghiệm lắp đặt “hộp đen” trên ô-tô khách cũng được xem là một biện pháp hữu hiệu để ghi nhận các lỗi của lái xe để có hình thức xử lý và nhằm xác định nguyên nhân TNGT.
Lái xe ô-tô khách là một trong số ít những người mặc nhiên “nắm giữ” trong tay mình sinh mệnh của hàng chục, có khi cả trăm người. Bởi vậy, khi chọn cho mình nghề “cầm vô lăng” để mưu sinh, người lái xe trước hết phải qua bài học vỡ lòng là không được phép chủ quan và cần phải thường xuyên trau dồi về lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Đáng tiếc, lâu nay, những yêu cầu cần thiết này dường như vẫn bỏ ngỏ.
Hành vi uống rượu bia say khi điều khiển phương tiện, tranh giành khách, phóng nhanh vượt ẩu… luôn tiềm ẩn mối hiểm nguy vô cùng lớn cho xã hội, cho con người, thể hiện thái độ vô trách nhiệm, xem thường mạng sống con người của người lái xe. Đó là một tội ác, cần phải lên án mạnh mẽ.
HUYỆN THÀNH QUỐC
.
.
“Bài học vỡ lòng” của nghề cầm vô- lăng
Thứ Sáu, 26/09/2008, 09:21 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.