.

Báo động đỏ đạo đức học đường

Có lẽ là không quá khi nói rằng vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay là những cảnh báo rất đáng lo ngại về đạo đức học đường. Nạn tự tử, hút xách, lắc và “bay”, bỏ học…, đã và đang trở thành sự phổ biến trên rất nhiều địa phương trong cả nước.

Thông tin liên tục trên báo chí làm cho tất cả những nhà giáo dục, các bậc phụ huynh phải giật mình: Tỉnh Gia Lai có hơn 1.600, Bình Thuận có 2.041 học sinh bỏ học. Ở Hà Nội, học sinh lớp 12 thuê côn đồ chém chết bạn học; Đồng Nai nhóm côn đồ tuổi teen tấn công Trưởng Công an thị trấn (Tiền Phong, 22-2-2008); Lâm Đồng, học sinh thuê taxi để đi ra vùng xa hút, uống và lắc;  Đà Nẵng bắt được học sinh lớp 8 bán dâm và nữ học sinh đó khai là đã bán dâm từ khi còn học lớp… 7 (Thanh Niên, 20-2-2008).
 
Đầu tháng 9 vừa qua, Công an TP. Đà Nẵng bắt giữ một nhóm “lắc” tại Karaoke Tiến Thịnh, trong đó có nhiều đối tượng là học sinh đang học lớp 8 tại một trường THCS (Báo Công an TP. Đà Nẵng 18-9); Sinh viên Trường Đại học FPT múa khỏa thân (Tuổi trẻ, 18-9-2008) (!)…

Những dòng tin nhức nhối trên cảnh báo rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành phố đến nông thôn, ở đâu cũng xảy ra những hiện tượng học sinh hư hỏng trầm trọng. Thứ hai, việc bỏ học hàng loạt do ngồi nhầm lớp chỉ là một cách giải thích.

Trên thực tế, đây là một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Thứ ba, sự “nổi loạn” của lứa tuổi teen là điều mà các nhà tâm lý học thường nói đến nhưng trong những trường hợp trên cho thấy đã đến lúc phải có sự nghiên cứu toàn diện, phải có chính sách xã hội kịp thời để “cấp cứu” cho cả một thế hệ tuổi teen đang bị trầm cảm, mất phương hướng hoặc ít nhất là không muốn - không thể kiểm soát được hành vi của chính mình.

Nếu ai đó nghĩ rằng sự việc chưa đến mức nghiêm trọng như thế thì đó là cách cố tình che mắt, giấu tai trước sự thật. Xin đưa ra một dẫn chứng. Chiều 9-11-2007, tôi đến Đà Nẵng công tác. Khi ấy, muốn tìm một chỗ trống trong quán net nhưng không thể vì các quán net ở số nhà 304, 333, 379  đường PCT và số 01 Chu Văn An đều chật cứng. Để chờ, tôi đến hàng café ngay sát bên, số đề trên tường là 00 CVA. Đây cũng không có chỗ ngồi vì bàn nào cũng kín đặc học sinh Trường trung học phổ thông Diên Hồng (365 PCT). Trong hai quán café vỉa hè, có đến 36 học sinh (!). Lúc ấy đã là 15 giờ 10. Lũ trẻ đang tụ tập chơi bài tiến lên: Những 4 sòng bài. Khói thuốc mù mịt bay, nói bậy chửi tục thì âu thâu rầu!

Những câu hỏi cứ xoay tròn trong đầu: Trường học kiểu gì mà 3 giờ chiều học sinh vẫn cứ “vô tư” đánh bài, vô tư ngồi kín net như thế? Net và café bao vây trường học tứ bề như thế thì làm sao học? Các nhà quy hoạch, chính sách ngồi ở đâu? Các thầy cô có biết hay không? Không thể nói không biết như cái vụ bị hành hạ 13 năm ở Hà Nội. Nếu biết thì làm cách nào để điểm danh, quản lý học sinh? Hay là lại vô cảm đồng hành với “vô tư” theo cách sống chết mặc bay; Kệ, thầy cứ dạy?

Đó chỉ là một trong muôn vàn dẫn chứng có thể thấy hàng ngày ở nhiều lúc, nhiều địa phương. Vấn đề đặt ra là, sự chấn chỉnh về tư duy và hành động phải được tiến hành đồng bộ. Không thể chấp nhận cảnh trường học nằm lọt thỏm giữa mê hồn trận của các “công cụ hỗ trợ” bỏ học. Không thể không có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa nhà trường và gia đình.
 
Sự giám sát, phòng ngừa của phụ huynh là cần thiết và phải thường xuyên. Mặt khác, trong trường học phải có chương trình tư vấn, giảng dạy về tâm lý học sát sao và hiệu quả hơn; thầy cô giáo phải quan tâm và có trách nhiệm với học sinh hơn. Tất nhiên, đứng về phía Nhà nước, phải thấy được việc mỗi tỉnh có hàng ngàn học sinh bỏ học là nghiêm trọng.

Tuổi teen hôm nay là những người chủ của xã hội sau mươi mười lăm năm nữa. Nếu cứ bỏ học và sinh ra nhiều nhức nhối như thế, tương lai của đất nước sẽ ra sao?

KHÁNH CHI

;
.
.
.
.
.