.

Bổn phận của tín đồ

Trong Tân Ước, mục Tit 2-3 (Kinh Cựu Ước và Tân Ước, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2002, tr. 227), thơ của Thánh Phao-Lô gửi cho Tít, có viết rằng: …Nói năng phải lời, không chỗ trách được…, Bổn phận của tín đồ là người Đức Chúa Trời thương xót (in đậm trong nguyên bản). Hãy nhắc lại cho các tín đồ phải vâng phục những bậc cầm quyền chấp chánh (chúng tôi nhấn mạnh – HVT), phải vâng lời các bậc ấy, sẵn sàng làm mọi việc lành, chớ nói xấu ai, chớ tranh cạnh, hãy dung thứ, đối với mọi người phải tỏ ra một cách mềm mại trọn vẹn.

Đọc những lời răn dạy ấy, ai cũng thấy Đức Jésus Christos phân định mọi điều thật rõ ràng giống như ánh sáng rực rỡ giữa ban ngày. Thứ nhất, Thánh Phao-Lô khẳng định dứt khoát rằng bậc tu hành, thức giả phải nói năng cẩn trọng, không được để cho bất kỳ ai hiểu sai điều mình đã nói. Thứ hai, vâng phục chính quyền đang chấp trách là một phần của bổn phận kính Chúa, yêu nước, yêu quê hương, Tổ quốc của mình bởi rất hiển nhiên là không có chính quyền nào trên trái đất này không đến bởi ý Chúa. Thứ ba, không tranh cạnh, phải mềm mại và trọn vẹn là nguyên tắc của Đức tin và lẽ phải.

Vậy mà, những sự việc, phát ngôn của ông Tổng Giám mục giáo phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt mới đây hầu như đã phá bỏ tất cả những lề luật ấy. Tại sao có thể phỉ báng đất nước của mình bằng cách cho rằng nhục nhã khi là người Việt Nam? Cách nói ấy quả thật không thể nào lý giải nổi bởi nó vi phạm trầm trọng luân thường, đạo nghĩa. Chẳng ai có thể chọn cho mình quê hương hay cha mẹ. Tổ quốc chính là Người Mẹ vĩ đại, vĩnh cửu của tất cả mọi trái tim con người. Vật có đổi hay sao có dời thì đó vẫn là chân lý của muôn đời.

Đối với mọi sự tranh biện, bất đồng – như là chuyện bình thường của mọi nhà nước đối với công dân của nó, nếu có mục đích tốt đẹp và đầy tinh thần dung thứ thì không có khó khăn nào không giải quyết được. Vả lại, một trong những nền tảng vĩ đại nhất của Kinh Thánh đó là tình yêu thương đồng loại, giống nòi vì chưng “Mọi sự không công bình đều là tội” (Tân Ước, sđd, tr. 254, I Giăng 4-5).

Quốc hữu quốc pháp, gia hữu gia quy là chế định vững chắc của sự tồn tại và ổn định. Nếu ai cũng có quyền xé rào, chà đạp và coi thường luật pháp thì làm sao có thể có được sự yên lành để sống, để thờ phượng? Chúa không khi nào muốn thế và bổn phận của mọi công dân – tín đồ trong sạch là hiểu rõ điều đó.

Nếu vì một mục đích cá nhân hoặc một ý đồ chính trị mà vất bỏ những nguyên tắc tối thiểu của cuộc đời thì đó là cách gián tiếp coi thường lề luật mà Đức Chúa Trời đã đặt ra bởi không ít lần Đức Chúa Trời nhấn mạnh rằng, Lề luật là công lý, Đức tin và nhân nghĩa.

Ông Tổng Giám mục là một người cao trọng nên càng nhất định phải phát ngôn cẩn trọng. Không thể thóa mạ cả nòi giống, tổ tiên chỉ vì bức xúc, bất đồng ý kiến. Xin ông nhớ cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sống luôn nhắc đến cụm từ “đồng bào Công giáo” với thái độ trân trọng, tôn vinh.

Nói như thế có nghĩa là đã khẳng định từ Công giáo – catholique, là “tôn giáo phổ quát cho tất cả mọi người”. Vả lại, Tân Ước cũng dạy rằng Ai ghét anh em mình là kẻ giết người; anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình (I Giăng, 2-3, tr.255, sđd). Ông Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt nghĩ như thế nào về lời răn dạy trên đây?

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.