.

Bột đắng Vedan

Sự kiện Công ty Vedan suốt 14 năm trời, lạnh lùng và tàn nhẫn “giết” dần mòn con sông Thị Vải bằng hệ thống nước thải, cố tình, tội lỗi, coi thường luật pháp, phải được coi là một vấn đề nghiêm trọng nhất của đất nước ta hiện nay.

Trăn trở và đau đớn đến từ mọi hướng. Thứ nhất, chuyện của những con kênh, dòng sông đen, đâu phải là chuyện mới. Người dân và báo chí đã tốn không biết bao công sức, giấy mực nhưng các cơ quan có trách nhiệm vẫn cứ đủng đỉnh qua cầu (!). Đây mới chính là điều đáng nói nhất. Cái sai, cái ác làm sao có thể tồn tại lâu đến thế nếu như các cán bộ có thẩm quyền có tinh thần vì dân, vì nước?
 
Thứ hai, đừng đổ lỗi cho hệ thống xử lý chìm của Vedan là “tinh vi”. Dẫu tinh vi đến mấy, chỉ cần kiểm tra nước sông ở gần các nhà máy thường xuyên, chắc chắn sẽ phát hiện ra các hợp chất bất thường của nó. Khi đó, chẳng khó khăn gì để biết ai, nhà máy nào là thủ phạm gây ô nhiễm.
 
Thứ ba, cách “xử lý”, “phạt” ở mức “gọi là” như kiểu phạt Vinashin vừa qua trong vụ chôn chất thải độc hại, trên thực tế là đã tiếp tay, đồng lõa với tội ác. Thưởng hậu, phạt nghiêm là nguyên tắc để xếp đặt thế giới theo đúng trật tự cần thiết của nó.

Thứ tư, rất nhiều công ty nước ngoài được “ưu đãi” quá giới hạn cho phép. Không phải ngẫu nhiên mà những công ty vi phạm nhiều nhất, nặng nhất trong việc tàn phá môi trường là những công ty có yếu tố nước ngoài. Thứ năm, thuốc trừ sâu, phân bón giả; cây xăng đong thiếu, thu thừa; thuốc tây quá đát, kẹo trộn bột đá;  ô nhiễm môi trường trầm trọng khắp nơi… là những điều xảy ra nhiều không kể xiết. Tại sao lại bất lực trong khi đồ giả, đồ ác tràn lan như thế? Những sai phạm liên tục như thế đang hủy hoại ghê gớm xã hội và chắc chắn sẽ phá vỡ sự cân bằng về sinh thái, văn hóa của tương lai nhìn thấy được.

Lượng cyanure do Vedan thải ra sông Thị Vải cao hơn mức cho phép 5.600 lần. Lượng vi sinh vật gây bệnh cao hơn 11.460 lần… Những con số đó nhân lên với 14 năm là bao nhiêu? Bên cạnh Vedan, những địa chỉ tai họa khác như Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 và 2, Gò Dầu 2…, đã làm hại đất nước nhiều hơn rất nhiều những gì chúng ta biết. Không thể vì cái lợi trước mắt mà chấp nhận tai họa trong tương lai.

Chế tài kiên quyết và nghiêm khắc chỉ là một giải pháp. Ngăn ngừa tai họa từ trong trứng nước mới là cái cần làm hơn. Đặc biệt, chúng ta biết rõ rằng các doanh nghiệp sợ nhất là sự quay lưng của khách hàng. Tại sao không thể tẩy chay tất cả những hàng hóa có nguồn gốc bất minh, sử dụng lao động trẻ em, tàn hại môi trường…, như cách mà EU đã làm? Có như thế mới có thể chặn đứng được tội ác.

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.