.

Cảnh báo từ những công trình hư hỏng

Thông tin ban đầu về những vết nứt loang lổ trên 4 đốt hầm Thủ Thiêm, hầm chui lớn nhất Đông Nam Á và đầu tiên tại Việt Nam, với trị giá trên 2.000 tỷ đồng đang khiến dư luận rất lo lắng.

Ngay tại Đà Nẵng, cũng còn không ít công trình dù chưa hoàn thành đã xuất hiện dấu hiệu hư hỏng, buộc phải chi phí sửa chữa rất tốn kém, mà Dự án thoát nước môi trường là một ví dụ. Một lần nữa, thực tế lại làm nóng lên những nghi vấn lâu nay về chất lượng của các công trình xây dựng cơ bản trên khắp mọi miền ở đất nước ta. Vấn nạn này hoàn toàn không mới, thường xuyên được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và phần lớn do dư luận quần chúng nhân dân phát hiện.

Hiện nay, trên khắp mọi miền đất nước, có nhiều công trình xây dựng, vật kiến trúc thực sự để đời, được công luận gắn cho danh hiệu “Thi gan cùng tuế nguyệt”. Có thể gọi đó là những sản phẩm tài hoa mà năng lực thiết kế và thi công đã vượt qua cả thời gian và không gian, sự trường tồn được kiểm nghiệm qua hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, mà đàng sau nó không những thể hiện trình độ kỹ thuật chuyên nghiệp cao mà còn chứa đựng biết bao tâm huyết và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của những người trực tiếp làm ra công trình.

Cần khẳng định rằng, cho dù tiền bạc, vốn liếng và cơ chế chính sách, luật pháp có quan trọng đến dường nào thì cũng không bao giờ thay thế được “Lương tâm chức nghiệp” của những người hành nghề xây dựng. Tương tự như một số ít ngành nghề có vai trò huyết mạch, có tác động sống còn đối với xã hội như: y tế, giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp..., có thể cho rằng những người hoạt động trên lĩnh vực xây dựng cơ bản không đơn giản chỉ là việc mưu sinh cho bản thân mình, mà thực chất đang “tạo nghiệp” cho toàn xã hội.
 
Công việc của họ gắn bó chặt chẽ với hậu vận và tương lai đất nước, góp phần tạo dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, vun đắp hạnh phúc cho nhiều thế hệ mai sau. Tuy nhiên, hiện tượng đáng lo ngại hiện nay là công trình xây dựng tuổi thọ kém, mau hỏng, xuống cấp nhanh, mục nát, liên tục duy tu bảo dưỡng... gần như khá phổ biến, đặc biệt tại các cơ sở hạ tầng quan trọng như: đường sá, cầu cống, bờ kè, tuyến đê, bến cảng, chung cư, các công trình công cộng...

Thực trạng trên không thể đổ lỗi hoàn toàn cho thiên tai hoặc nguyên nhân khách quan, mà chủ yếu do lối làm giả dối, làm ẩu, là hậu quả của nạn móc ruột công trình... làm hao tổn không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức và uy tín của ngành xây dựng nước nhà. Đàng sau những công trình hư hỏng đó chính là gánh nặng nợ nần vô cùng lớn, không chỉ về tiền bạc, của cải mà cả tổn thất nghiêm trọng về đạo đức, lòng tin. Nguồn lực và cơ hội dành cho đầu tư phát triển đất nước bị tước đoạt hoặc đánh mất phần lớn xuất phát từ những nguyên nhân tệ hại này.

Vẫn còn chưa quá muộn để đưa ra những lời cảnh báo cần nhanh chóng có kế hoạch hành động dài hơi nhằm lập lại trật tự trên lĩnh vực nóng bỏng này. Bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý chặt chẽ, nghiêm minh, thiết nghĩ cần có chương trình cụ thể nhằm củng cố toàn diện cả về đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp của những cá nhân và tổ chức có liên quan trực tiếp đến tất cả các công đoạn trong hoạt động xây dựng cơ bản.

Định kỳ hằng năm cần tổ chức vinh danh khen thưởng công khai trong cộng đồng những điển hình có uy tín cao, đồng thời công bố danh tính những cá nhân hoặc tổ chức vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng, kiên quyết rút giấy phép, cấm hành nghề vĩnh viễn, xử lý theo quy định của pháp luật. Nâng cao hơn nữa tính độc lập và tính chuyên nghiệp của các tổ chức tư vấn giám sát thẩm định chất lượng công trình. Hoàn thiện cơ chế quản lý là một phần rất quan trọng làm nên chất lượng và hiệu quả công trình xây dựng cơ bản.

Sớm kiên quyết từ bỏ cơ chế Bộ chủ quản với vai trò “Vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong mê hồn trận “Cơ chế xin cho” từ xét duyệt chủ trương đầu tư - cấp phép - cấp vốn - chỉ định thầu - đấu thầu - tư vấn - xây dựng... Mạnh dạn áp dụng cơ chế xã hội hóa, cổ phần hóa các công trình hạ tầng cơ bản, huy động mọi thành phần kinh tế có năng lực tham gia vào xây dựng và điều hành quản lý hạ tầng...

Xây dựng cơ bản là một trong những lĩnh vực động chạm nhiều nhất đến quốc kế dân sinh, vì vậy cần huy động sức mạnh của tiến trình dân chủ hóa, thu hút sự tham gia tích cực của các hội đoàn thể quần chúng, các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời phản ánh các hiện tượng tiêu cực, gióng lên tiếng nói của lương tâm và sự thật, cảnh tỉnh dư luận xã hội, khôi phục lại sự trong sạch và hình ảnh cao quý của những người hành nghề trong lĩnh vực hết sức quan trọng này.

THANH THỦY

;
.
.
.
.
.