.

Chào năm học mới!

Hôm nay, 5-9-2008, 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước chính thức khai trường để bắt đầu năm học mới. Năm học 2008-2009 được kỳ vọng là năm học đầy ý nghĩa và chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành tựu mới.

Trong thư gửi ngành Giáo dục cùng các bậc phụ huynh và học sinh, sinh viên cả nước nhân dịp khai giảng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định rằng Đảng, Nhà nước sẽ “quan tâm, chăm lo hơn nữa cho sự nghiệp phát triển giáo dục, dành những điều kiện ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em chúng ta”. Có thể nói rằng “cam kết”  của Chủ tịch nước là nhân tố đầu tiên quyết định để cho nền giáo dục nước nhà thay da, đổi thịt, hội tụ mọi nguồn lực, tạo nên sức sống mới, góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng đã nhấn mạnh về chủ đề của năm học mới là “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Những động thái và tín hiệu đầy khích lệ đó đã đem đến một luồng gió mới, những hạt nắng mới để cho 22 triệu chồi non, sức trẻ tự tin và mạnh mẽ đơm bông, kết trái cho một “mùa vụ” mới của tri thức và hiểu biết, của tâm huyết và sự đồng lòng. Chưa bao giờ đất nước cần đến sự đột phá về chất lượng của ngành giáo dục như lúc này. Tất nhiên, sự nghiệp trồng người là dài lâu như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở. “Bài toán” của giáo dục không chỉ hướng đến những thay đổi ngắn hạn mà còn bao gồm cả

định hướng dài hạn, mang tầm chiến lược trong việc xây dựng nền móng vững chắc cho nước nhà 50 năm, 100 năm sau. Nền kinh tế tri thức của thế kỷ XXI vừa là vấn đề nguyên tắc đồng thời cũng là đòi hỏi tất yếu của lịch sử. Không một nước nào có thể phát triển, đồng hành với loài người và thời đại nếu không có một nền giáo dục chất lượng, hiệu quả.

Dĩ nhiên, những khó khăn vẫn còn rất nhiều. Cuộc vận động “hai không”, “bốn không” trong hai năm học đã qua thu được khá nhiều kết quả như chất lượng dạy và học đã được nâng cao hơn, các kỳ thi được tổ chức nghiêm túc hơn nhưng tình trạng đọc-chép hay căn bệnh thành tích vẫn chưa dễ gì xóa bỏ được trong một sớm, một chiều.

Trên cả nước vẫn còn hàng ngàn trường học không đạt chuẩn, tình trạng học chay, dạy chay vẫn còn khá phổ biến. Số liệu thống kê chính thức (VTV1, 19 giờ 10, 3-9-2008) cho biết đang có đến 17.000 trường học chưa thể kết nối mạng Internet. Nói như thế có nghĩa là nhiệm vụ công nghệ hóa thông tin trường học vẫn còn bộn bề những công việc phải làm.

Một thực tế hiển nhiên là hàng triệu gia đình có thu nhập thấp đang phải “bắt đầu” với những nỗi lo khi con em họ đến trường. Mức đóng góp, chi phí trung bình cho một học sinh tiểu học, trung học cơ sở là trên dưới 600.000 đồng. Đó là gánh nặng thực sự đối với người nghèo khi thu nhập hằng năm của các gia đình đó chỉ khoảng 10 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể những gia đình có con em nhập học ở các cấp cao hơn…

Việc học là công việc của toàn xã hội. Không có một lĩnh vực nào mà khái niệm Nhà nước và nhân dân cùng làm lại rõ ràng, đủ ý như trong giáo dục. Cũng không phải là ngẫu nhiên khi trong bức thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ở những câu chữ cuối cùng, Chủ tịch nước đã kêu gọi sự “đồng lòng, tâm huyết vì một năm học mới thắng lợi”. Người xưa dạy: Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện. Người học phải học không bao giờ biết chán. Người dạy phải dạy với tinh thần không bao giờ biết mỏi. Có như thế thì mới đạt được kết quả đáng mong muốn.

Xin chúc cho ngành giáo dục cùng toàn thể 22 triệu học sinh, sinh viên cùng nhau ý thức và cộng hưởng được luồng gió mới mà năm học mới đang lồng lộng thổi về dào dạt trên khắp cả nước ta!

KHÁNH CHI

;
.
.
.
.
.