.

Đôi lời của một phụ huynh

Dù một số trường được phép khai giảng trước đó hoặc sau đó ít ngày, nhưng ngày 5-9 này - ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường - vẫn là cột mốc đánh dấu việc gần 22 triệu học sinh và một triệu thầy, cô giáo sẽ chính thức bước vào năm học mới với chủ đề đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Theo thông báo của Bộ Giáo dục-Đào tạo, năm nay sẽ là năm toàn ngành thực hiện hàng loạt chủ trương lớn, từ phổ cập hệ mầm non trong toàn quốc; tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường; rà soát lại nội dung sách giáo khoa; đổi mới chế độ học phí, chế độ đóng góp xây dựng trường, chế độ cho vay tín dụng cho sinh viên; kéo dài năm học để giảm tải và để thời gian biểu phù hợp với từng địa phương, v.v... Cũng theo tinh thần đổi mới, bắt đầu từ năm học này, Nhà nước sẽ thực hiện chủ trương công khai hoạt động giáo dục để tăng quyền giám sát của xã hội; gắn hoạt động giáo dục với đời sống ngoài nhà trường và mở rộng quyền tự chủ, chủ động của các địa phương đối với công tác này.

Những thông tin trên đã phần nào làm dịu đi nhiều bức xúc về chất lượng giáo dục đạo đức, văn hóa, thể lực trong nhà trường còn thấp; công tác quản lý yếu kém; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí, gian dối trong giáo dục khá nặng nề; việc đóng góp để nuôi con ăn học đang là một gánh nặng... Niềm tin vào quyết tâm đổi mới của ngành giáo dục được nhen nhóm. Việc phải làm đầu tiên là cần nhanh chóng khắc phục tình trạng yếu kém, lạc hậu của nền giáo dục, trước hết không phải yếu kém, lạc hậu về vật chất.
 
Nền giáo dục của chúng ta hơn hẳn nhiều nước đang phát triển ở chỗ đó là nền giáo dục bình đẳng, dành cho mọi người. Mặc dù còn nghèo nhưng ngay từ thời chiến tranh, Nhà nước ta đã ra sức chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và y tế, hai lĩnh vực thiết yếu của mọi người. Nhưng phổ cập giáo dục mới chỉ là một phần của một nền giáo dục tiên tiến. Chất lượng giáo dục được đánh giá chủ yếu là nhằm đạt mục đích gì, đào tạo ra hình mẫu con người như thế nào cho xã hội.

Việc trả lời câu hỏi mục tiêu đào tạo trong thời kỳ hội nhập và phát triển, trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, trong thời kỳ vừa bảo vệ, vừa xây dựng Tổ quốc là gì vẫn gặp không ít lúng túng. Quan điểm lớn, định hướng lớn đã có nhưng đi vào những mục tiêu đào tạo cụ thể cho từng cấp học, từng ngành học, từng vùng miền thì lại thiếu, đấy là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chắp vá, thiếu nhất quán, kém hiệu quả của công tác dạy và học.

Vấn đề thứ hai là quan niệm sai lầm dẫn đến buông lỏng công tác quản lý văn hóa nói chung, trong đó có giáo dục từ nhiều năm nay. Quá nhấn mạnh một chiều mối quan hệ phụ thuộc của văn hóa vào kinh tế, một số không ít người nghĩ đơn giản rằng, chỉ cần kinh tế phát triển thì văn hóa, giáo dục, y tế... sẽ phát triển theo, thậm chí có người còn cho rằng nên coi văn hóa, trong đó có cả giáo dục cũng là một ngành nghề kinh doanh.

Thực trạng xuống cấp của văn hóa, giáo dục, đạo đức... hiện nay đã chứng minh cần phải coi trọng tính độc lập của văn hóa, coi trọng sự chi phối của văn hóa đối với kinh tế, đặt văn hóa ở vị trí nền tảng, động lực của phát triển. Coi nhẹ ý nghĩa văn hóa của giáo dục, biến việc đào tạo con người trở thành việc đào tạo hàng hóa lao động thông thường là nguyên nhân của biết bao tiêu cực, suy thoái trong môi trường nhà trường, băng hoại nhiều giá trị tốt đẹp truyền thống, đưa ra xã hội những sản phẩm con người kém chất lượng.

Vấn đề thứ ba là môi trường giáo dục đang bị tách xa khỏi môi trường xã hội của chính nó, sản phẩm của ngành giáo dục được xã hội chấp nhận chưa cao. Nguồn nhân lực được đào tạo nhiều, nhưng người không tìm được việc làm, người phải làm trái ngành nghề, người phải luôn thay đổi việc làm không ít. Bằng chứng của tình trạng này là ngay ngành giáo dục cũng đang thiếu một số lượng lớn giáo viên, đồng thời lại thừa một lượng lớn giáo viên khác. Không huy động được lực lượng của toàn xã hội tham gia công tác giáo dục và hoạt động giáo dục chưa thật gắn bó với đời sống xã hội, đó là một vấn đề không dễ tháo gỡ một sớm một chiều.

Tất nhiên, không thể chỉ trong một bài báo ngắn có thể bàn về mọi khía cạnh của giáo dục. Cũng tất nhiên, đã có không ít ý kiến của những chuyên gia tâm huyết, có tri thức, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nhưng mừng con em và các thầy giáo vào năm học mới, với góc nhìn của một phụ huynh, xin có đôi lời ngoại đạo.

T.B

;
.
.
.
.
.