.

Gian lận xăng dầu - cần chế tài xử lý đủ mạnh

Từ đầu tháng 6 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập đoàn thanh tra 1.968 cơ sở kinh doanh xăng dầu ở 63 tỉnh, thành phố và đã phát hiện lập biên bản 384 cơ sở kinh doanh vi phạm. Riêng ở Đà Nẵng, qua kiểm tra 26 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã phát hiện xử phạt 12 đơn vị vi phạm với số tiền phạt 48,5 triệu đồng.

Hành vi gian lận xăng dầu được xác định là “thiên hình vạn trạng” với đủ mọi hình thức như đong thiếu xăng dầu, pha lẫn tạp chất hoặc trộn xăng A90 hoặc xăng A92 vào xăng A95 rồi bán theo giá xăng A95 để thu chênh lệch. Để thực hiện hành vi gian lận, chủ cơ sở kinh doanh sử dụng công nghệ cao như gắn vào cột bơm xăng các mảng mạch điện tử làm thay đổi lượng xăng theo hướng ít hơn thực tế. Thậm chí, một số hành vi gian lận mới được phát hiện là sửa chữa lại phần mềm điều khiển cột xăng. Theo đó, khách hàng có thể bị “rút ruột” phổ biến từ 2,77% đến 6,38% và cao nhất đến 10,5% lượng xăng đã mua (cứ mua 100 lít xăng bị đong thiếu có thể lên đến 10,5 lít!).

Cần nói thêm rằng, vào đợt kiểm tra trên diện rộng vào năm 2003, các vi phạm chủ yếu là phá niêm phong kẹp chì của cơ quan kiểm định và điều chỉnh theo hướng có lợi cho họ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Còn thủ đoạn “ăn cắp” xăng dầu bây giờ đã tinh vi hơn rất nhiều.

Đợt kiểm tra định kỳ này cho thấy, cách làm ăn gian dối trên lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đang diễn ra rất phổ biến và nghiêm trọng, càng gây bức xúc dư luận hơn khi giá xăng dầu trong những năm qua tăng liên tục, trở thành gánh nặng chi tiêu trong từng gia đình. Rõ ràng, trong nhiều năm qua, khách hàng đã bị móc túi số tiền vô cùng lớn mà có lẽ, không có cơ quan nào có thể thống kê hết.

Trong đời sống thường nhật, chúng ta vẫn thường thấy những kẻ trộm cắp vài con gà, con heo, kẻ đập chó, kẻ lừa đảo phải ra trước vành móng ngựa nhận lãnh những hình phạt thích đáng. Sai phạm trong kinh doanh xăng dầu nghiêm trọng đến mức vậy, người ta mới loay hoay với câu hỏi và được các luật sư giải thích: đó không phải là “trộm cắp” hay “lừa đảo”, mà đó là hành vi “lừa dối khách hàng”.
 
Điều 162 BLHS quy định: người nào trong việc mua bán mà cân đo đong đếm, tính gian, đánh tráo các loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Chế tài này rõ ràng không đủ mạnh để ngăn chặn hành vi gian lận xăng dầu. Các cơ sở kinh doanh xăng dầu có thể chấp nhận vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật để thu lợi nhuận cao.

Dù vậy, các giải pháp trước mắt vẫn có những tác dụng nhất định nếu được áp dụng triệt để và nghiêm túc. Theo đó, cần công khai cụ thể danh sách tổ chức, cá nhân gian lận trên các phương tiện thông tin đại chúng; xử phạt thật nặng và rút giấy phép kinh doanh xăng dầu đối với các cơ sở vi phạm; trong trường hợp sai phạm nghiêm trọng cần chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra làm rõ để truy tố trước pháp luật.

Trước thực trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu diễn ra tràn lan, vấn đề cấp thiết đặt ra là thái độ dứt khoát và quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý sai phạm. Về lâu dài, những nhà soạn luật cần xem xét bổ sung các điều khoản quy định hình phạt tương xứng đối với hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu này để xử lý các sai phạm, răn đe phòng ngừa chung.

HUYỆN THÀNH QUỐC

;
.
.
.
.
.