.

Hành hung nhà báo - Cần những “phản ứng” tương xứng

Dù chưa hết năm, và cũng chưa có con số thống kê chính thức, nhưng ngay cả ở thời điểm này cũng có thể khẳng định năm nay số vụ hành hung nhà báo ở nhiều địa bàn trong cả nước xuất hiện khá nhiều so với mọi năm.

Ngày 2-3, nhà báo Hoàng Dưỡng, Trưởng Đài PTTH Buôn Đôn (ĐăkLăk) bị tên Nguyễn Văn Huy, trú tại Buôn Ky, phường Thành Nhất, TP. Buôn Mê Thuột điện thoại đe dọa và 5 ngày sau, Huy tổ chức cho 2 đàn em là Nguyễn Tiến và Văn Viết Tùng đánh anh trọng thương. Nguyên nhân được xác định do nhà báo Hoàng Dưỡng phát hiện, tố giác hành vi buôn bán lâm sản trái phép ở Buôn Đôn và Nguyễn Văn Huy là một trong những đối tượng có liên quan.

Gây bức xúc nhất trong dư luận có lẽ phải kể đến vụ hành hung nhà báo tại bữa tiệc mừng tân hoa hậu Hoàn vũ 2008 tại Diamond Bay (Nha Trang). Nạn nhân của vụ hành hung này là P.V Báo ảnh VN Minh Quốc (TTXVN) và kẻ côn đồ là con rể và cháu ngoại của bà Trần Thị Hường - Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàn Cầu – đơn vị đứng ra tổ chức chung kết Hoa hậu Hoàn vũ.

Nhìn những tấm ảnh mà các đồng nghiệp kịp thời ghi lại, chúng ta không khỏi phẫn nộ khi nhìn thấy P.V Minh Quốc bị chảy máu mũi khi anh đang tác nghiệp. Và không chỉ vậy, những lời lẽ của những kẻ được gọi là “trọc phú” như dao cứa vào trong tâm khảm những người làm báo: “Mày phải biết cái thẻ cho mày tác nghiệp là do tiền của gia đình tao bỏ ra”(!).

Cũng tại Nha Trang, cách đây gần một tháng, nhà báo Nguyễn Xuân Đương bị hai kẻ lạ mặt đi xe máy che biển số dùng dao đâm ngay trước cổng Báo Khánh Hòa khi anh đang trên đường đến Tòa soạn làm việc. Được biết, trước khi bị đâm, anh Đương có nhiều bài viết liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai. Và gần đây nhất là vụ hành hung các P.V Dương Minh Phong, Báo Sài Gòn Giải phóng và Hoàng Nam, Báo Đời sống-Pháp luật, thường trú tại Quảng Bình khi các P.V này viết bài phản ánh về thực trạng xây dựng một số công trình trái phép, v.v…

Một điều rất dễ nhận thấy là hầu hết các nhà báo bị nhục mạ, hành hung nêu trên đây trong lúc đang thi hành nhiệm vụ được giao. Họ hy vọng ngòi bút của mình sẽ phản ánh sự thật, biểu dương điều tốt, phát hiện và tố giác sai phạm, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp, xã hội công bằng, văn minh hơn. Để thực hiện những nhiệm vụ cao cả đó, việc phải đối mặt với gian khổ, thách thức, hiểm nguy cũng là điều hiển nhiên, song vấn đề đặt ra là làm thế nào đó mà nhà báo cảm thấy không đơn độc.

Có cảm giác trong số các vụ hành hung, nhục mạ nhà báo trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã phản ứng chưa tương xứng, mà biểu hiện rõ ràng nhất là sự chậm trễ trong khâu điều tra xác minh; xử lý thiếu kiên quyết. Thực trạng này rất dễ dẫn đến tiền lệ xấu, ít nhiều sẽ làm nản lòng những cây bút xông xáo, dám đấu tranh thẳng thắn, không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác.

Nghề báo được hiểu là nghề rất vất vả, hiểm nguy, đòi hỏi phải biết chấp nhận hy sinh, cống hiến hơn là một nghề đơn thuần chỉ để mưu sinh. Với ý nghĩa đó, nhà báo rất cần sự bảo vệ, trước hết là lãnh đạo đơn vị công tác, các cấp Hội, chính quyền địa phương và nhất là các cơ quan thi hành pháp luật.

Với những vụ hành hung nhà báo liên tục xảy ra trong thời gian vừa quan, dư luận tỏ ra hết sức bất bình và lên tiếng đòi hỏi các cơ quan thi hành phát luật phải nhanh chóng làm rõ, xử lý thích đáng những kẻ sai phạm và công khai hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, xã hội hiểu và tôn trọng hoạt động của báo chí, đồng thời góp phần răn đe, phòng ngừa những hành vi tương tự.

HUYỆN THÀNH QUỐC

;
.
.
.
.
.