.

Khi giọt nước tràn ly

Những thông tin về hàng loạt các sản phẩm sữa của Trung Quốc có chứa độc tố melamine làm 4 trẻ em tử vong và trên 150 đứa trẻ khác phát hiện mắc bệnh sỏi thận do uống sữa nhiễm độc đã khiến nhiều bậc cha mẹ nuôi con bằng sữa lo lắng. Các nhà chức trách Trung Quốc đưa ra con số gần 53 ngàn trẻ có khả năng mắc bệnh do uống sữa nhiễm độc khiến sự vụ này càng trở nên nghiêm trọng.
 
Chưa bao giờ vấn đề sữa nhập từ Trung Quốc lại là đề tài thời sự nóng bỏng như thời gian qua. Bởi đơn giản, sữa được xem như thức uống có hàm lượng dinh dưỡng cao và được nhiều bậc cha mẹ tin dùng để nuôi con.

Những thông tin về sữa độc được đăng tải khiến các cơ quan chức năng về quản lý sữa, trong đó có ngành Y tế bối rối. Liệu trên thị trường thành phố Đà Nẵng có hay không sữa nhiễm độc đang bày bán và nếu không phát hiện ra thì liệu những loại sữa này có tiếp tục lén lút bán cho người dân hay không? Trong những ngày qua, lực lượng thanh tra Y tế cũng đã thực hiện các cuộc kiểm tra đột xuất tại nhiều nơi nhưng vẫn chưa “truy” ra sữa nhiễm độc nguy hiểm.

Trong lúc này, một nỗi lo khác lại đang dần hiện hữu nữa là nhiều loại sữa nhập ngoại khác, ngay cả sữa được sản xuất trong nước có bảo đảm không nguy hại cho trẻ em hay không? Hàm lượng melamine trong đó thế nào? Nuôi con bằng những hộp sữa ngoại có giá vài trăm ngàn đồng trở lên, nhìn con mình lớn lên nhưng các bậc cha mẹ lo lắng không biết có mang bệnh tật giống như những đứa trẻ vô tội ở Trung Quốc không?

Câu chuyện sữa độc của Trung Quốc cũng giống như một giọt nước tràn ly về những nguy cơ từ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện nay. Và cũng chưa bao giờ vấn đề VSATTP lại được quan tâm nhiều khi các ngành chức năng liên tiếp công bố những phát hiện lạnh người về các mặt hàng thực phẩm. Từ chuyện hàn the trong nem chả, bún, rồi đến chất tẩy trắng trong giá đỗ, thịt heo. Còn nhớ chỉ cách đây không lâu, những gói gia vị dùng để nấu lẩu nhập lậu từ Trung Quốc khiến nhiều người khoái món lẩu cũng trở nên e ngại. Chuyện người dân sử dụng công nghệ làm rau chỉ sau một đêm phun thuốc tăng trưởng rồi đến trộn bột đá vào kẹo… và bây giờ là sữa dành cho những đứa trẻ bé bỏng.

Dự luận xã hội đang đặt câu hỏi vậy thì quyền của người tiêu dùng đã được tôn trọng hay bị xem nhẹ, phớt lờ. Hằng ngày họ phải bỏ tiền ra để mua những loại thực phẩm đắt đỏ nhưng vẫn băn khoăn liệu những món hàng đó được các cơ quan chức năng kiểm chứng hay chưa? Cách đây chỉ một ngày, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Công Khẩn trao đổi trên một tờ báo đã bào chữa cho việc hồ sơ công bố tiêu chuẩn sữa tiệt trùng YiLi bị thất lạc.
 
Có lẽ lãnh đạo Cục “quên” chuyện có tới 11 nhãn sữa Trung Quốc đã nhập khẩu vào Việt Nam, vì cuối tuần trước, chính Cục này vẫn khẳng định “chưa có sữa Trung Quốc nhập khẩu vào nước ta”. Trên báo Tuổi Trẻ, người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm kiểm chứng và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng khá uy tín này thừa nhận: “Đây là điều chúng tôi phải chấn chỉnh. Chúng tôi đang nghiêm túc xem xét có còn hay không sữa Trung Quốc đã được nhập khẩu chính thức vào Việt Nam, sữa đó có nằm trong danh sách nhiễm melamine hay chưa... trong thời gian ngắn”.

Có thể thấy rằng, câu chuyện sữa bị nhiễm độc lọt qua khe cửa kiểm soát của cơ quan chức năng không phải là vụ việc duy nhất tính đến thời điểm này. Đã đến lúc cần phải quy trách nhiệm rõ ràng trong vấn đề sữa độc đã nhập trót lọt vào nước ta và ai là người đứng ra chịu trách nhiệm cụ thể trong việc này khi mà hậu quả không chỉ giải quyết ngày một ngày hai như chuyện phát hiện, thu hồi, đình chỉ, tiêu hủy. Xem ra câu chuyện bảo đảm VSATTP hiện nay đang là mối lo canh cánh.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.