.

Lại nói về chuyện y đức

Xin được mở ngoặc nói trước, bài viết này không “vơ đũa cả nắm”, bởi hằng ngày, hằng giờ vẫn có số đông người hành nghề y dược tận tâm với nghề, luôn sống và tâm niệm theo hai chữ y đức. Nhưng, bên cạnh đó vẫn còn vài việc khiến chúng ta không khỏi phiền lòng và việc nhắc đến điều đó cũng là vạn bất dắc dĩ mà thôi…

Nhiều tờ báo đưa mẩu tin ngắn nhưng đã gây bàng hoàng dư luận: Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa kiểm tra đột xuất và phát hiện tại quầy thuốc của Phòng khám đa khoa Quốc tế SOS ở đường Nguyễn Du (phường Bến Nghé, quận 1) loại thuốc Bactrim 960 mg có giá nhập vào 400 đồng/viên được bán ra với giá 12.800 đồng/viên, tăng gấp 32 lần! Đồng thời, cũng qua kiểm tra ngẫu nhiên 14 mặt hàng tại quầy thuốc, đoàn ghi nhận các mặt hàng được bán ra với tỷ lệ lãi từ 166% đến 3.350%! Vì sao quầy thuốc này bán với giá tăng khủng khiếp như vậy vẫn có người mua?
 
Đơn giản là vì không như mớ rau, mớ hành ngoài chợ, bà nội trợ có quyền trả giá, có quyền mua hoặc không mua; còn mặt hàng thuốc tân dược mua bán theo chỉ định của bác sĩ. Vả lại, người mua làm gì có đủ thông tin để hiểu người bán đã “cắt cổ” họ đến cả hàng chục lần, hàng ngàn phần trăm… Chúng ta nghĩ gì trước những thông tin này? Người bệnh sẵn sàng trả dăm ba chục ngàn đồng tiền khám kèm theo lời cảm ơn chân thành, chả lẽ điều đó chưa xứng với công sức của bác sĩ nên họ phải tìm cách “ăn” thêm vô tội vạ tiền chênh lệch qua việc bán thuốc? Đau lòng lắm!

Lại một chuyện khác: vấn đề đáng báo động tại các thành phố lớn ở Việt Nam là xu thế phẫu thuật lấy thai nhi ngày càng gia tăng phổ biến. Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mổ lấy thai nhi chỉ chiếm từ 10-15% tổng số ca đẻ, trong khi đó tỷ lệ mổ đẻ ở Hà Nội là 31,1% tổng số ca đẻ; TP. Hồ Chí Minh 29,5%; Hải Phòng 20,4%... Về chuyện này, có vẻ như “lỗi” không hoàn toàn thuộc về bác sĩ, thậm chí bác sĩ còn có thể viện cớ họ “hành xử” như vậy là do yêu cầu của sản phụ và gia đình “nằng nặc đòi mổ để lấy giờ, ngày sinh”v.v…(?).
 
Nhưng có điều này chắc bác sĩ phải biết và chắc chắn họ biết rõ hơn sản phụ và gia đình: Theo khuyến cáo của WHO, mổ lấy thai nhi làm tăng nguy cơ tử vong mẹ cao gấp 2 đến 10 lần so với đẻ thường; tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong 3 tháng đầu sau khi sinh cao gấp 3 lần so với trẻ sinh tự nhiên; và chỉ nên phẫu thuật lấy thai nhi vì lý do để cứu mẹ và em bé khi sản phụ mắc bệnh về tim mạch, tiền sản giật, thai ngược…

Vậy, bác sĩ chỉ định sinh mổ đối với những ca có thể đẻ thường vì lý do gì? Là vì ca đẻ thường phải theo dõi từ vài giờ cho đến 15 giờ, trong khi ca phẫu thuật lấy thai nhi chỉ mất khoảng 20 phút -uy tín và sự mang ơn của sản phụ và gia đình đối với bác sĩ lớn hơn rất nhiều so với ca đẻ thường. Đó chính là lý do để bác sĩ mềm lòng chỉ định phẫu thuật lấy thai nhi không phải do yêu cầu bệnh lý.

Đáng băn khoăn, trăn trở là những điều chướng tai gai mắt viện dẫn trên đây vẫn nhan nhản trong đời sống thường nhật, thậm chí dần dần còn được nhìn nhận như là sự hiển nhiên. Có vẻ như các cơ quan chức năng giám sát giá thuốc, giám sát hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế đang “đuối sức” trước những hành vi sai trái?

Tại sao chưa hề có một bác sĩ nào bị xử lý khi chỉ định phẫu thuật lấy thai nhi không vì lý do yêu cầu bệnh lý? Tại sao cứ mỗi phòng mạch bác sĩ là có một quầy thuốc kèm theo để vờ  che mắt thiên hạ dù ai cũng biết quầy thuốc đó là của chính họ?... Thiết nghĩ, một khi cơ quan thanh tra, kiểm tra chưa làm tròn bổn phận, còn một cách khác để điều chỉnh hành vi sai trái là sự lên tiếng của các diền mối đạo đức xã hội cũng như sự tự thức tỉnh lương tâm của một số thầy thuốc lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi bất chính.

HUYỆN THÀNH QUỐC

;
.
.
.
.
.