.

Lãng phí và chảy máu chất xám

Kể từ năm 1974, năm đầu tiên Việt Nam tham gia thi Olympic toán quốc tế dành cho trình độ phổ thông trung học đến nay, năm nào Việt Nam cũng tham gia các kỳ thi Olympic và năm nào chúng ta cũng có giải, nhiều năm có giải cao.

Các môn thi mở rộng dần, mới đầu chỉ có toán, một môn chủ yếu là lý thuyết, thế mạnh của những nước nghèo, học sinh học “chay” là chính, hơn người nhờ thông minh. Tiếp theo, tự tin hơn, chúng ta mở rộng đến các môn yêu cầu kỹ năng thực hành rất cao như vật lý, hóa học, sinh học… nhưng kết quả vẫn rất khả quan.
 
Để chuẩn bị cho cuộc liên hoan các học sinh từng đoạt giải qua các kỳ thi Olympic quốc tế, một cơ quan báo chí đã thống kê được sau gần 35 năm, đã có gần 450 em mang huy chương về cho Tổ quốc khi đang còn tuổi học phổ thông, một con số rất đáng tự hào.

Học sinh Việt Nam thông minh, sáng tạo, không chỉ trong các môn đại cương mà ngay trong các môn ứng dụng như tin học, tự động hóa (như các cuộc thi robocon mấy năm qua) đều tỏ ra vượt trội. Và không chỉ trong khoa học tự nhiên, từng có rất nhiều giải thưởng thể thao như cờ vua hay âm nhạc, sân khấu mà trẻ em Việt Nam đã giành được trên các sàn đấu quốc tế.

Tự hào là vậy, nhưng tiếp sau là nỗi xót xa: gần 450 mầm non tài năng ấy bây giờ ở đâu và làm gì? Xin thưa, nhiều người trong họ đã vượt lên trở thành những tài năng nhưng 60% trong số ấy hiện đang sống, làm việc ở nước ngoài, một số đã có gia đình, nhập quốc tịch nước sở tại và khả năng trở về làm việc tại Việt Nam là xa vời.

Vậy còn 40% đang ở trong nước? Cũng nhiều người trong số họ đã vượt lên trở thành những công dân gương mẫu, những người có ích cho đất nước nhưng có điều đa số đã không trở thành các nhà khoa học lớn như họ và chính chúng ta mong chờ, một số người phải làm việc trái ngành nghề, như mọi lao động phổ thông khác. Vì sao có tình trạng trên? Một phần theo quy luật đào thải tự nhiên. Một phần khác - mà phần này chiếm số nhiều - do thiếu quy hoạch, không được đào tạo tiếp, không có môi trường làm việc thuận lợi cho cống hiến và phát triển tài năng và do cả những thiếu sót về tổ chức, nhân sự, vv…

Khi tiếp xúc với số anh em này và anh chị em thanh niên Việt kiều, ý kiến chung là ai cũng mong muốn được đóng góp cho đất nước, sẵn sàng ở lại trong nước hoặc về nước làm việc không phải vì tiền nhưng điều kiện làm việc ở Việt Nam quá lạc hậu và không thuận tiện nên không thể thực hiện được nguyện vọng. Cùng chung ý nghĩ trên còn có hàng ngàn trong số gần một vạn học sinh Việt Nam đang du học nước ngoài. Không vui gì nhưng sau khi học xong, nhiều em trong số này đành ở lại làm việc ở nước ngoài ít năm rồi… tính sau.

Gần đây, rộ lên chuyện cán bộ, nhân viên Nhà nước bỏ việc ra ngoài hoặc đi làm thuê, hoặc tự lo chuyện sản xuất, kinh doanh. Trong số hơn 10.000 người xin thôi việc Nhà nước ra làm ngoài trong cả nước thì quá nửa là ở TP. Hồ Chí Minh, có người đang giữ chức vụ quan trọng, có người có học vị cao thậm chí có người đang trong diện bồi dưỡng, đề bạt. Chuyện ở lại nước ngoài, chuyện thôi việc ở cơ quan Nhà nước không giống nhau nhưng cùng có một điểm chung, đó là tình trạng lãng phí chất xám, chảy máu chất xám do chính sách đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ tài năng đã quá bất cập.

Duy Vũ

;
.
.
.
.
.