.

Nghiêm túc với dư lượng dioxin

1- Ngày 10-9, Hội đồng tư vấn Việt - Mỹ (JAC) nhóm họp tại Hà Nội để ủng hộ chương trình giải quyết vấn đề chất độc da cam/ dioxin ở Việt Nam. Diễn đàn này xác định nội dung kết hợp nhiều nguồn lực để đáp ứng nhu cầu giải quyết điểm nóng dioxin ở khu vực Sân bay Đà Nẵng, trong đó có việc thảo luận những đề xuất triển khai sử dụng ngân sách 3 triệu USD từ phía Mỹ.

Rõ ràng, vấn nạn dioxin ở Đà Nẵng cũng như một số địa phương khác gồm Phù Cát (Bình Định), Biên Hòa (Đồng Nai) là sự thật không thể phủ nhận. Theo báo cáo sơ bộ, khu vực Sân bay Đà Nẵng được đánh giá là một trong những “điểm nóng”, sơ nhiễm dioxin nặng nhất với hàm lượng dioxin cao từ 300 đến 400 lần so với giới hạn cho phép. 

Ước tính chi phí làm sạch cho riêng điểm nóng dioxin ở Đà Nẵng khoảng 14 triệu USD. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ 3 triệu USD do Quốc hội Mỹ thông qua năm 2007 dự kiến sẽ dành một nửa cho xử lý ô nhiễm môi trường. Trước đó, ngày 8-9 tại Hà Nội, Đại sứ Mỹ Michael Michalak cho biết: Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ sẽ phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo 33 của Việt Nam thực hiện giải ngân những khoản viện trợ đầu tiên tại Đà Nẵng.

2- Cuối tháng 8-2008, tại hồ Xuân Hòa A (Thanh Khê) xảy ra tình trạng cá chết bất thường, thực sự là điều đáng quan tâm. Một số hộ dân trong khu vực vớt cá về ăn. Nghiêm trọng hơn, một người dân vớt cá đem đến các chợ khu vực khác để tiêu thụ, dù trước đó UBND thành phố đã có văn bản nghiêm cấm sản xuất, nuôi trồng thủy sản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp quanh khu vực sân bay Đà Nẵng. Thế nhưng, tình hình nuôi thả và khai thác nguồn thủy sản trong khu vực vẫn còn diễn ra.

Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33) thì nồng độ dioxin tại các “vùng nóng” tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người, tình hình bệnh tật và dị tật bẩm sinh cao hơn rõ so với các vùng khác và xuất hiện những người mới nhiễm dioxin. Những nghiên cứu gần đây còn cho thấy, trong các động vật sống ở lớp bùn của những hồ chung quanh có nồng độ dioxin cao. Cũng theo ông Sơn, ở vùng được xác định nhiễm chất độc dioxin, người dân không được ăn ốc, cua, cá sống trong các hồ; không được ăn mỡ các gia cầm như gà, vịt vì dioxin tích tụ trong các mô mỡ của gia cầm.

3- Những động thái tích cực từ các bên trong cuộc chiến tranh đang ấm dần lên nhằm giải quyết các vấn đề hậu chiến. Mỹ và các nhà tài trợ đang tiếp cận tẩy độc cho khu vực Sân bay Đà Nẵng. Công việc còn ở phía trước nhưng trước mắt “nước xa không cứu ngay được lửa gần” nên hơn lúc nào hết, người dân Đà Nẵng cần có những thông tin chính thức và nâng cao hiểu biết về tình trạng nhiễm độc dioxin khu vực Sân bay Đà Nẵng.

Đến thời điểm này, cơ quan chức năng chưa công bố bản đồ phạm vi có tác hại của chất độc dioxin tại Đà Nẵng, nhưng phạm vi quanh Sân bay Đà Nẵng chịu ảnh hưởng nặng nề là điều chắc chắn. Trong những nỗ lực tự khắc phục và phòng ngừa hậu quả của chất độc dioxin, UBND thành phố đã có công văn cấm sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại các khu vực quanh Sân bay Đà Nẵng. Đặc biệt là 2 khu vực nguồn nước mặt từ Sân bay Đà Nẵng đổ ra là các phường Xuân Hà, Hòa An (Thanh Khê); Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) và phường Hòa Cường Nam (Hải Châu).
 
Tuy nhiên, các hướng dẫn này chưa được người dân thực hiện nghiêm túc. Hiện tại khu vực hồ nước công viên Khuê Trung xuất hiện tình trạng nuôi cá lồng bè. Thậm chí địa phương này chưa nhận thức tác hại nguy hiểm của ô nhiễm dioxin nên dù đã có “lệnh cấm” từ thành phố nhưng lại ra văn bản “xin” cho dân nuôi trồng thủy sản?!

Đối với nguồn cung cấp nước sạch, Công ty Cấp nước Đà Nẵng khẳng định, Nhà máy Nước sân bay Đà Nẵng công suất 5.000m3/ngày đêm chỉ là trạm bơm nước thứ cấp từ Nhà máy Nước Cầu Đỏ. UBND thành phố cũng đã hỗ trợ cung cấp nguồn nước sạch sinh hoạt vào khu vực phường Hòa An, tuyến đường Nguyễn Phước Nguyên.
 
Song tỷ lệ sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt ở vùng có nguy cơ nhiễm độc dioxin là còn thấp và điều này cần sớm được quan tâm đầu tư về hạ tầng cấp nước và những khuyến nghị cần thiết, bắt buộc để người dân chủ động phòng tránh nhiễm độc khi sử dụng nguồn nước ngầm.

TRIỆU NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.