.

Nhìn EWEC từ các liên kết tiểu khu vực

Năm 2008 đánh dấu sự kiện Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) tròn 10 tuổi. Thay  vì một buổi lễ long trọng kỷ niệm sự kiện này, các nước thành viên tiến hành khảo sát toàn diện về những điều chưa làm được trong chương trình liên kết tiểu khu vực mà hàng thập niên qua đã được cho là nhiều triển vọng. Liệu có phải EWEC đang đối mặt với những luận đề lịch sử về hiệu quả hợp tác tiểu khu vực của ASEAN?

EWEC là 1 trong 3 tuyến thuộc cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), gồm Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Hai tuyến còn lại là Hành lang Kinh tế Bắc - Nam (NSEC) và Hành lang Kinh tế phía Nam (SEC). Thực chất, nó là một liên kết tiểu khu vực, mô hình hợp tác kinh tế đã xuất hiện trong quá trình công nghiệp hóa của các nước ASEAN.

Trước GMS và EWEC, ở ASEAN đã xuất hiện hàng loạt liên kết kinh tế tương tự, thường được gọi là các tam giác - tứ giác tăng trưởng. Cuối thập kỷ 80 xuất hiện tam giác  tăng trưởng Nam ASEAN, gồm bang Johor của Malaysia, Rian của Indonesia và Singapore ra đời. Sau đó, đến lượt tam giác Tây Bắc ASEAN gồm Nam Thái Lan, đảo Penang của Malaysia và Bắc Sumatra của Indonesia ra đời.

Tiếp theo là tam giác Đông ASEAN gồm bang Sabah của Malaysia, Mindanao của Philippines và Sulausei của Indonesia ra đời. Và  đến năm 1992, tứ giác GMS như một xu thế, nhưng nó phải mất đến 10 năm sau nữa để các nước thành viên nhóm họp cấp cao lần đầu tiên. (Hội nghị cấp cao GMS lần thứ nhất, tức GMS - 1, năm 2002 tại Campuchia).

Ngoài các tam giác, tứ giác, ASEAN còn có hàng loạt sáng kiến hợp tác đã được triển khai, như Hiệp ước mậu dịch ưu đãi (PTA), Dự án Phát triển công nghiệp (AIP), Chương trình Bổ sung công nghiệp (AIC), Liên doanh công nghiệp (AIJV)... Thế nhưng, khác với hầu hết các dự báo ban đầu về triển vọng, hiệu quả, các cơ chế, chương trình hợp tác của ASEAN chưa bao giờ chứng minh được những giá trị hiện hữu. Nói cách khác, tất cả các cơ chế, chương trình nói trên vẫn chưa đem lại hiệu quả đáng kể nào.

Tháng 3 năm nay, tại GMS - 3, các nước đã đưa ra một bản báo cáo đầy hồ nghi về hiệu quả hợp tác, khi vẫn nhấn mạnh rằng “GMS là khu vực có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế”. Câu hỏi về khoảng cách giữa “tiềm năng” và “hiệu quả” vẫn bị bỏ lửng.

Hơn 100 dự án chung đã được thực hiện trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, truyền thông, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư và thương mại, du lịch và nông nghiệp với tổng số tiền đầu tư hơn 3,5 tỷ USD  từ năm 1992 đến nay vẫn chỉ dừng lại ở mức “tiềm năng”! Hiện nay vẫn chưa có một báo cáo nào thể hiện một cách thuyết phục về thành tựu của EWEC - chương trình hợp tác mang tính xương sống của GMS. Phải chăng, GMS, trong đó có EWEC, đang đi vào vết xe lịch sử của 3 tam giác (Nam, Tây Bắc và Đông ASEAN), PTA, AIP, AIC, AIJV...? Đó là một luận đề cần xem xét hết sức kỹ càng.

Luận đề này không chỉ được giải quyết dựa trên những đánh giá về triển vọng mà còn trên góc độ lịch sử và những chọn lựa. Lịch sử chưa cho thấy những hiệu quả hợp tác tiểu khu vực giữa các nước ASAEN hoặc “ASEAN mở rộng”, ngoại trừ sự khích lệ về tinh thần. Còn sự lựa chọn, phải chăng GMS là cách thức duy nhất để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo? Thiết tưởng, đã đến lúc nhìn nhận lại kênh hợp tác vốn nhiều kỳ vọng nhưng chưa đem lại hiệu quả này.

NGUYỄN THỊ EM

;
.
.
.
.
.