.

Sáng mãi mùa Thu năm ấy…...

Lịch sử không thể  là dải - rời - liên - tục của những sự kiện ngẫu nhiên. Thế nhưng, hôm nay – ngày 1-9-2008, 150 năm tròn kể từ khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng (1858), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam; cả nước nô nức kỷ niệm Lễ Quốc khánh lần thứ 63, mới chợt giật mình rằng sự chuyển giao - nối tiếp - bước ngoặt - định mệnh của lịch sử dường như luôn có những ngày, tháng của những bất ngờ…

87 năm dư một ngày (1-9-1858 – 2-9-1945) của kiếp sống nô lệ tủi nhục, lần đầu tiên trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, những con người cùng khổ nhất đã vùng lên để đứng thẳng dậy, làm chủ số phận của chính mình. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân số một ở vùng Đông Nam Á chính thức được khai sinh.
 
Sự khủng hoảng của chủ nghĩa fascio (tư tưởng chính trị cực đoan, tàn bạo, phi dân chủ của một thể chế độc tài được lập ra trong chiến tranh, có từ thời Roma cổ đại - lâu nay vẫn được đặt tên là “chủ nghĩa phát xít”) đã đem đến cho mọi dân tộc ở châu Á cơ hội ngàn năm có một, nhưng Việt Nam lại là nước duy nhất làm được điều thần kỳ: Bằng cách khẳng định giá trị của khát vọng độc lập, tự do, đã mở đầu cho quá trình khủng hoảng, suy sụp  rồi đi đến tan rã của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc; mở đầu cho cơn bão táp cách mạng được hiện thực hóa, đưa đến sự ra đời của hàng loạt nước độc lập trên thế giới.

Thành quả vĩ đại đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã đem đến một ánh sáng hoàn toàn mới để nhận chân mục tiêu, tính chất, lực lượng, phương pháp cách mạng thích hợp để chấm dứt cuộc khủng hoảng triền miên về mặt đường lối của mọi phong trào yêu nước.

Sự nỗ lực, tinh thần dám hy sinh, ý chí bền bỉ và khát vọng không gì so sánh nổi của tinh thần độc lập, tự do của toàn thể dân tộc Việt Nam đã được thăng hoa cùng với định hướng thiên tài của lãnh tụ Hồ Chí Minh - Người đã “tổ chức, sáng lập và rèn luyện Đảng ta (ĐCSVN)” (Lê Duẩn). Mặt trận Việt Minh do Hồ Chí Minh phát minh ra là một trong những kỳ tích của việc tập hợp lực lượng, phân hóa kẻ thù, tạo nên sức mạnh mới (mà điển hình là sự hợp tác chống phát xít hiệu quả của Việt Minh với quân đội Hoa Kỳ).
 
Tại sao Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “trứng nước”, nghèo nàn, thiếu thốn và lạc hậu đủ bề lại có thể vượt qua muôn trùng thử thách đến từ nạn đói, nạn mù chữ, dốt nát, nạn ngoại xâm với hàng chục vạn quân đội nước ngoài, cho đến nay, vẫn là một câu hỏi khó trả lời một cách đầy đủ. Đây là một trong những nguồn cội để cho tháng Chín mùa Thu năm ấy rực rỡ mãi đến muôn đời. Sáng tạo và hiểu biết, nhìn đúng khả năng của mình và hiểu rõ thế giới, biết cách làm cho “lửa càng nóng, nước càng lạnh” (Hồ Chí Minh), là nguyên tắc bất di bất dịch để tồn tại.

Nếu làm một con tính để tính cái lẽ “hơn – thua” của loài người trong 63 năm qua, có thể khẳng định chắc rằng, không có dân tộc nào phải chịu nhiều thử thách như Việt Nam và, cũng không có dân tộc nào lập được nhiều chiến công hiển hách như Việt Nam. Trên thế giới, chưa có đất nước nào có thể tổ chức Tổng tuyển cử thành công với thời gian 4 tháng kể từ khi khởi nghĩa giành chính quyền, trong điều kiện một phần ba đất nước (Nam Bộ) đang kháng chiến.
 
Sự thất bại của đế quốc Pháp ở Điện Biên Phủ là thất bại đầu tiên của một cường quốc Tây Âu ở hai châu Á – Phi. Cho đến nay, thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn là thất bại duy nhất của Hoa Kỳ. Chưa có một nước nào, với 65 triệu dân và 3 tỷ USD GDP (1991) lại có thể đưa nền kinh tế tăng trưởng liên tục trong suốt hai thập kỷ.

Và, kể cả hôm nay, nếu tính tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong 8 tháng của năm 2008, con số 45,17 tỷ USD của Việt Nam thì đó cũng là một con số kỷ lục. Sức sống của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, được mở đầu từ mùa Thu tháng Chín cách đây 63 năm vẫn đang được thăng hoa và phát triển một cách vững bền và mạnh mẽ.
                                   
HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.