.

Sứ mệnh xã, phường

Luật, Nghị định, Thông tư, Quyết định, Chỉ thị... đổ dồn về đâu? Xin thưa, đổ dồn về UBND xã, phường. Bởi vậy, không hề ngoa dụ khi một cán bộ ở phường Tân Chính, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng gọi cấp chính quyền cơ sở này là “túi đựng chính sách”. Nó hứng nhận gần như mọi chủ trương, chính sách từ cấp trung ương, tỉnh - thành, quận - huyện.

Nhưng cái quan trọng hơn, cấp chính quyền vốn không phải bao giờ cũng tập trung được những bộ óc xuất sắc nhất, những chuyên viên giỏi nhất, những người rành rẽ pháp luật nhất, những khoản lương bổng xứng đáng nhất... lại đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống Nhà nước: trực tiếp giải quyết những vấn đề đa dạng của người dân. Phải chăng, trong nhiều năm qua, chúng ta chưa thực sự hiểu được vai trò của UBND cấp xã, phường?

Nếu viện dẫn các văn bản quy phạm pháp luật hoặc tài liệu khoa học, có thể sẽ tìm thấy nhiều khẳng định về tầm quan trọng của UBND cấp xã, phường. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự chênh lệch giữa khối lượng công việc và mức thu nhập của cán bộ xã, phường; giữa chính sách dành cho cấp trên nó và chính sách dành cho nó; về sự phân bổ cán bộ, chuyên viên có trình độ, về biên chế ở cấp xã, phường với cấp ban, ngành... sẽ thấy một khoảng cách khá xa.
 
Tất cả các chênh lệch trên dẫn đến sự chênh lệch về thu nhập, về cơ hội chính trị cũng như khả năng phát huy trí tuệ. Một chuyên viên cấp ban, ngành thường có học vấn cao hơn, thu nhập tốt hơn, cơ hội thăng tiến nhiều hơn so với cán bộ xã, phường. Trong khi đó, xét về vai trò thì chưa thể nói được ai hơn ai. Thực tế đó dẫn đến hậu quả dai dẳng trong nhiều năm qua là cán bộ, chuyên viên giỏi rất ngại phải về phục vụ ở cơ sở; họ coi việc đó chẳng khác nào một hành động “bị trù dập”, hay theo cách mà nhiều người Đà Nẵng vẫn nói là “bị đì”. Không ít trường hợp, cán bộ, chuyên viên giỏi đã chấp nhận rời bỏ khu vực công để chuyển sang khu vực tư chứ nhất quyết không chuyển công tác “xuống” xã, phường.

Hiện nay TP Đà Nẵng đang thực hiện chủ trương rất đáng quan tâm: Phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ cán chủ chốt xã, phường có trình độ trung cấp lý luận chính trị và đại học chuyên ngành. Hành động cụ thể là hiện Ban Tổ chức Thành ủy đang chủ trì chương trình đào tạo, bồi dưỡng 150 cán bộ cho các chức danh Bí thư, Phó Bí thư đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường. Cách đặt vấn đề của Đà Nẵng thực sự mang tính đột phá mà hầu như chưa có địa phương nào trong cả nước thực hiện. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề này dường như vẫn bỏ trống một vế quan trọng khác, mà nếu thiếu thì khó có thể cải thiện tình hình. Đó chính là môi trường và cơ chế làm việc.

Chúng ta có thể đào tạo ra những cán bộ có năng lực, nhưng liệu họ có phát huy được hay không lại là một câu chuyện khác. Môi trường và cơ chế làm việc có những ảnh hưởng quyết định đến khả năng phát huy năng lực của cán bộ. Vì vậy, một khi chỉ đề cập đến việc đào tạo cán bộ chủ chốt mà chưa đề cập đến sự cải thiện môi trường và cơ chế thì có thể gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường giỏi để làm gì nếu những người giúp việc của họ không đủ năng lực giải quyết các vấn đề của người dân? Họ phát huy năng lực để làm gì nếu không nhìn thấy sự hấp dẫn của công việc cũng như cơ hội thăng tiến? Liệu họ có cống hiến hết mình hay không, một khi thu nhập của mình chỉ tương đương với lương công nhân ở các khu công nghiệp? Và liệu có duy ý chí hay không nếu đặt niềm tin tuyệt đối vào sự cống hiến vô tư đến quên mình khi thực tiễn cuộc sống luôn đặt ra những mối quan tâm sát sườn?...

Tôi cho rằng, song song với chủ trương “nâng cấp” cán bộ chủ chốt ở xã, phường, TP Đà Nẵng cần một chủ trương khác nhằm cải thiện toàn diện hoạt động của cấp cơ sở. Chỉ có như vậy, thành phố mới không uổng phí một phần tiền bạc, công sức bỏ ra trong nhiều năm tới. Bằng cách đó, “túi đựng chính sách” mới trở thành guồng máy tiếp nhận, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách và giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn.

NGUYỄN THỊ EM

;
.
.
.
.
.