1- Nói vào vai là nói theo ngôn ngữ của nghề diễn viên, của nghệ thuật sân khấu. Và không cứ gì sân khấu, ngay trong đời sống xã hội hằng ngày, con người cũng phải luôn ý thức mình đang vào vai nào để có cách ứng xử phù hợp.
Trong một cuộc hội nghị, không ai là công dân mà lại không đứng nghiêm trang để chào quốc kỳ, nhưng nếu anh là phóng viên truyền hình đang tác nghiệp thì có thể không cần thực hiện nghi thức thiêng liêng ấy. Mới đây, Fan Meizhong - giáo viên tiếng Trung tại một trường trung học tư ở thành phố Dujiangyan, tỉnh Tứ Xuyên - đã bị nhà trường sa thải vì chạy trốn một mình, bỏ mặc học sinh khi xảy ra động đất hồi tháng 5 vừa qua, dù không học sinh nào của anh ta chết trong trận động đất kinh hoàng này.
Fan Meizhong càng bị dư luận chỉ trích nặng nề hơn sau khi viết bài tự bảo vệ hành động đáng khinh của bản thân, cho rằng sở dĩ anh ta xử sự như vậy bởi vì vào thời điểm sinh tử ấy, Fan Meizhong chỉ nghĩ đến việc hy sinh mạng sống cho con gái! Có thể trong vai người cha, Fan Meizhong là một người cha tốt biết yêu thương con và chắc không ai chê trách gì nếu anh ta muốn nhanh chóng thoát nạn để về với con gái lúc đó cũng đương đối mặt với hiểm nguy, nhưng vấn đề là ở chỗ Fan Meizhong đang vào vai người thầy trên bục giảng, mà đã là người thầy trên bục giảng thì đạo đức nghề nghiệp buộc anh ta phải là người cuối cùng - chứ không phải đầu tiên - rời khỏi khu vực nguy hiểm.
2- Trở lại câu chuyện thanh niên vào vai... lãnh đạo, có thể nói đây là hình thức tập làm lãnh đạo khi tuổi đương còn trẻ, đúng hơn là tập làm lãnh đạo khi chưa trở thành lãnh đạo – bởi cũng có không ít lãnh đạo tuổi rất trẻ nhưng đủ năng lực làm lãnh đạo thật sự chứ không cần tập gì nữa.
Để đào tạo lãnh đạo một cách bài bản, người ta thường tạo điều kiện để thanh niên chưa thành lãnh đạo có thể sớm vào vai một số chức danh lãnh đạo nào đó, chẳng hạn mở diễn đàn để thanh niên phát biểu ý kiến theo những chủ đề đại loại như: Bạn sẽ làm gì trước tiên trong ngày đầu nhậm chức nếu bạn được bầu làm Thủ tướng? Đâu là ưu tiên số một trong chương trình hành động của bạn nếu bạn được bầu giữ chức vụ Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc? Nếu bạn là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh bạn sẽ làm gì để giảm bớt hội họp mà vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý điều hành? Chữ nếu trong các trường hợp vừa nêu hàm ý ở đây mọi tình huống đều là giả định.
Nhưng đã vào vai thì yêu cầu cao nhất là phải nhập vai, phải hành xử mình là lãnh đạo... thật. Thật ở phong thái, thật ở khẩu khí và quan trọng hơn cả là thật ở tầm tư duy. Nếu vào vai Thủ tướng mà mình chỉ dừng lại ở tư duy vùng miền thôi thì chưa thể gọi là nhập vai. Cũng chưa thể gọi là nhập vai nếu mình chỉ dừng lại ở tầm tư duy châu lục khi vào vai Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc hay chỉ dừng lại ở tầm tư duy quận, huyện khi vào vai Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.
3- Tập làm văn khác với làm ăn, tập làm lãnh đạo khác với làm lãnh đạo, cho nên tầm tư duy của một thanh niên chưa thành lãnh đạo tại các diễn đàn nêu trên dẫu xuất chúng đến mấy chắc chắn cũng không thể ngang bằng tầm tư duy của người lãnh đạo đương nhiệm mà mình đang vào vai. Tuy nhiên, người lãnh đạo đương nhiệm thực sự cầu thị hoàn toàn có thể chờ đợi ở đây - bên cạnh những ý tưởng còn non nớt, thậm chí ngây ngô - không ít ý tưởng nhiều khi độc đáo và bất ngờ.
Sở dĩ như vậy là vì dẫu nhập vai giỏi đến đâu thì thanh niên chưa thành lãnh đạo vẫn là người ngoài cuộc, vẫn không bị trói buộc bởi những định kiến, bởi những tư duy quen thuộc song đã lỗi thời, như là người trong cuộc. Cho nên vào vai lãnh đạo, thanh niên cần có sự tự tin nhất định – tự tin rằng mình có thể xuất thần, đột ngột tỏa sáng trong quá trình ngẫm nghĩ về chủ đề đang phát biểu.
Tất nhiên, thanh niên chưa thành lãnh đạo tham gia các diễn đàn vẫn bị câu thúc trong khuôn khổ của chủ đề nghị sự. Đơn cử như với chủ đề thứ nhất, cử tọa rất muốn lắng nghe người vào vai Thủ tướng mới được bầu phát biểu về sự lựa chọn việc làm trước tiên trong ngày đầu chậm chức, chứ không chờ đợi diễn giả trình bày những công việc thường nhật của một Thủ tướng. Qua sự lựa chọn này, cử tọa sẽ thấy rõ mối quan tâm, thậm chí là nỗi ưu tư của diễn giả ở lĩnh vực nào trong đời sống chính trị của đất nước, từ đó cũng thấy rõ tư duy của diễn giả đúng tầm hay chưa đúng tầm với chức danh lãnh đạo mà diễn giả đang vào vai.
BÙI VĂN TIẾNG
.
.
Thanh niên vào vai lãnh đạo
Thứ Tư, 24/09/2008, 07:57 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.