.

Thể trạng giống nòi

Tại lễ công bố thành lập Quỹ “1 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo”, Viện Dinh dưỡng cho biết: Hiện cả nước có 2,6 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thể còi và từ 20 - 33% trẻ em có cân nặng và chiều cao thấp hơn chuẩn. Cụ thể, nam thanh niên 18 tuổi của Việt Nam thấp hơn bạn cùng tuổi người Nhật 8cm, nữ là 4cm. Đánh giá tổng quát cho biết thể trạng của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay yếu nhất khu vực(!)

Những con số trên cảnh báo một sự thật nhãn tiền: Nếu không có những giải pháp kịp thời và lâu dài thì nguy cơ thoái hóa nòi giống là điều không thể tránh khỏi. Đã từng có dự án nâng cao thể trạng người Việt nhưng cho đến nay vẫn chỉ là “nghiên cứu để tiếp tục nghiên cứu”. Thật ra, cái cần bây giờ là làm chứ không cần nghiên cứu nữa. Chẳng hạn, tại sao không học hỏi kinh nghiệm của người Nhật? Năm 1945, chiều cao trung bình của người Nhật là 159 và 149cm (nam và nữ).
 
Nửa thế kỷ sau là 170 và 159cm! Nâng được chiều cao cho cả dân tộc lên 10cm là một chuyện thần kỳ và, người Nhật đã làm được. Trong nhiều biện pháp chiến lược mà người Nhật đã áp dụng thì giải pháp hiệu quả nhất là chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các bà mẹ đang mang thai và trẻ sơ sinh. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế và sức khỏe Liên Hợp Quốc (WHO), thể trạng của con người tùy thuộc vào thời kỳ bào thai và dưới hai năm tuổi. Có nghĩa là, trong 3 năm đó, nếu thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng sẽ quyết định đến 90% việc phát triển chiều cao và trí tuệ của con người.

Kết luận khoa học đã có, tại sao chúng ta không áp dụng? Nếu chỉ 1 triệu ly sữa không thôi thì không bao giờ đúng và đủ, mặc dù đó là một chương trình giàu ý nghĩa xã hội. Con số chi phí cho 1 triệu ly sữa đó thì quả là nhỏ nhoi - chỉ có 3 tỷ đồng. Nếu so sánh với khu vực thì người Việt Nam dùng sữa ít nhất - chỉ có 6 lít/người/1 năm trong khi Trung Quốc là 26 lít, Thái Lan 22 lít/người/năm.

Để thay đổi thể trạng giống nòi, cần phải đầu tư hàng ngàn tỷ đồng; thậm chí cao hơn cũng nhất thiết phải làm. Bởi đây là yếu tố tiên quyết nâng cao tầm vóc dân tộc về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho các bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh chế độ dinh dưỡng tích cực. Ví dụ, mỗi năm có 1 triệu bà mẹ mang thai - sinh nở (trong kế hoạch hai con cho phép), trong đó 50% là các gia đình nghèo thì Nhà nước phải chăm sóc liên tục cả 50 vạn bào thai - trẻ sơ sinh đó.

Nếu mức chi phí cho mỗi bà mẹ là 2 triệu đồng thì tổng số tiền phải bỏ ra chỉ là 1.000 tỷ đồng - xấp xỉ số tiền tổ chức liên hoan, hội họp mỗi năm. Để tiếp tục chăm sóc cho những đứa trẻ 1 - 2 tuổi thì số tiền trên sẽ lên đến 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Đó là một con số khá lớn nhưng không phải là không khả thi.

Chỉ sau mươi, mười lăm năm, việc nâng cao thể trạng sẽ đưa đến “hiệu ứng sinh lãi” của toàn bộ nền kinh tế. Suy cho đến cùng, đây là ưu tiên số một, đầu tư sinh lợi số một của mọi sự phát triển. Vấn đề còn lại là chăm sóc như thế nào cho hiệu quả? Tất nhiên không thể bằng tiền mặt vì rất khó bảo đảm rằng số tiền đó được sử dụng 100% cho các bà mẹ. Cách thức để kiểm soát cũng không phải là một vấn đề quá khó.

Nền kinh tế nước ta đang đơm hoa, kết trái. Hàng ngàn năm của mức sống đói nghèo đang sắp sửa trở thành quá khứ. Đây chính là lúc chúng ta nên-cần phải có chiến lược đầu tư cho việc thay đổi thể trạng của giống nòi. Nếu cần, hãy đề ra một mức thuế mới “vì tương lai của dân tộc Việt Nam”. Sự đồng thuận sẽ đến bởi đó là cách duy nhất để cho người Việt Nam không còn phải ngửa cổ lên để ngước nhìn…

KHÁNH CHI

;
.
.
.
.
.