.

Và, trăng sẽ sáng hơn...

Cha ông xưa, dẫu phải đằm mình trong muôn nỗi lo toan bộn bề  vẫn biết cách chăm lo cho con trẻ bằng một nghĩa cử thật sâu, thật đậm với chan chứa ân tình: Dành riêng cho “sắp nhỏ” một cái Tết với đủ lẽ vuông tròn - Tết Trung thu.

Tết Trung thu là Tết của lứa tuổi trăng chưa đến hồi tròn, vai đang chờ nặng gánh. Những mầm măng của giống nòi nhờ ánh trăng của đất trời để đón rước, vui chơi. Đất nước ngày một đi lên, rất nhiều hình tượng mới như máy bay, tàu hỏa đã chen lấp biết bao kỷ niệm bình yên của xưa cũ. Nhưng có lẽ bởi cái lý ban đầu ấy mà Trung thu năm nào lũ trẻ cũng rộn ràng với lân múa, sư tử chầu, ông địa ngật ngà cùng phượng vẫy, rồng bay.

Chăm lo cho thế hệ trẻ là trách nhiệm của muôn đời. Rất nhiều tin vui náo nức đến cùng với tiếng trống ếch, trống đại rộn ràng. Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ làm 650 cái đèn lồng ngôi sao để tặng trẻ em nghèo khuyết tật, cơ nhỡ. Tạp chí Gia đình & Trẻ em cùng Công ty CP Truyền thông thủ đô và VTC tổ chức chương trình Gala - Nghệ thuật với chủ đề “Vầng trăng cổ tích” để quyên góp 700 triệu đồng tặng học sinh nghèo. Ở Đà Nẵng, hàng trăm học sinh nghèo, học giỏi được nhận học bổng của Hội Khuyến học Đà Nẵng phối hợp với tổ chức Care the People tổ chức... Những  câu chuyện giàu nhân ái như thế làm ấm mọi trái tim khao khát sẻ chia và vun đắp. Có thể nói, truyền thống đẹp đẽ đó từ ngàn đời đã và đang ngày càng tỏa sắc, thêm hương.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít những dòng tin cháy bỏng nỗi diết da mà ánh trăng rằm cũng không thể nào làm dịu bớt. Trong 3 năm qua, đã có 2.800 phụ nữ và trẻ em bị đem ra làm “đồ vật” để buôn bán (TT, 10.9.2008). Hàng ngàn trẻ em nghèo đêm Trung thu vẫn phải cắp những rổ nặng lạc rang, bắp luộc để bán cho người lớn ăn nhậu, vui cười. Nhưng xót xa hơn cả là chuyện của 36.700 học sinh miền núi Quảng Ngãi, sát ngày Tết Trung thu vẫn đến trường với “tay không” vì chưa có tiền mua sách vở (TN, 10.9.2008)...

Những cảnh đời như thế hoặc khốn khó hơn như thế vẫn còn  rất nhiều, cả thị thành đến những nông thôn xa xôi, cách trở núi sông. Một bộ phận trẻ em cơm chưa đủ ăn làm sao “mơ” đến những chồng bánh Trung thu được xếp đầy trên những con phố lớn với cái giá ngất ngưởng: 20.000, 40.000, 80.000 đồng... Trăng Trung thu vẫn vằng vặc nhưng các em vẫn phải vật lộn với bát cơm, manh áo... Bánh Trung thu, với trẻ em con nhà nghèo, đó luôn là câu chuyện của sự “hoang đường”!

Ánh trăng cũng như cơ hội để kiếm tìm hạnh phúc luôn được chia đều cho tất cả mọi người. Vậy mà, muôn đời vẫn thế, “ánh trăng nghèo” luôn khắc khoải sự cắt nghĩa và giải mã vụng về. Mong sao cho tất cả những ai có cuộc sống đủ đầy hãy chớp mắt và chạnh lòng một chút để nhớ đến những mảnh trăng nghèo, rồi góp thêm một ít sẻ chia...

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.