.

“Văn hóa” đồ giả

Đồ giả tràn ngập, vây bủa cuộc sống của chúng ta từ bốn phía, suốt đêm ngày là một thực tế trầm trọng và nhiều tai họa. Nông dân mất mùa vì phân bón giả, cây xăng bán xăng dầu bằng đồng hồ giả, 406 loại thuốc tây quá đát hoặc bị làm giả, hàng chục tấn sữa dành cho trẻ nhỏ có chất độc bày bán khắp nơi, hàng chục doanh nghiệp làm giả hệ thống xử lý chất thải để bức tử thật các dòng sông, hàng chục cuốn truyện tranh có đạo đức giả, khiêu dâm thật đang từng ngày tha hóa con trẻ…

Chưa khi nào đồ giả lộng hành một cách ghê gớm đến vậy. Bài học đầu tiên nhất thiết phải rút ra là, không phải “nó” bây giờ mới có mà có từ lâu rồi nhưng các cơ quan có trách nhiệm không chịu phát hiện hoặc phát hiện được nhưng xử lý nửa vời nên đến lúc này đồ giả mới tác oai tác quái như thế. Bài học thứ hai mà ai cũng thấy đó là các chế tài luật pháp không đủ, chồng chéo hoặc thiếu nghiêm minh nên đã tạo ra kẽ hở cho cái ác sinh sôi.

Tại sao không huy động nguồn lực trí tuệ của đất nước để tham mưu cho cơ quan lập pháp? Tại sao luật ở nước ta luôn thiếu tầm, ngắn hạn nên chưa thi hành đã bất cập, lỗi thời, sửa đi sửa lại mà điển hình là luật đất đai, môi trường? Bài học thứ ba có nguồn cội từ giáo dục, từ văn hóa. Nếu người lớn, các thầy giáo, cô giáo cũng chạy theo bằng giả, danh giả thì lấy đâu ra tấm gương cho trẻ nhỏ học cách sống trung thực với đời? Mặt khác, nếu chú ý quan sát thì “văn hóa” đồ giả nhiều lắm, chỉ có điều chúng ta không chịu nói, không chịu thấy đó thôi. Chẳng hạn, bó rau muống chỉ có mấy cọng “làm mặt” là non xanh, còn bên trong đầy cồi, đầy cộc. Cái sợi dây để buộc cua làm bằng cói, tẩm nước ướt đẫm có trọng lượng gần bằng… con cua (!).

Tình hình trên đây của đồ giả thực sự là nghiêm trọng. Môi trường bị tàn hại khắp nơi nơi, buôn bán thất nhân, mất đức, xã hội bất ổn; thế hệ trẻ coi chuyện dối trá, quay cóp là chuyện bình thường; niềm tin bị xói mòn một cách toàn diện, đau xót. Thậm chí, không còn biết tin vào mặt hàng nào, sản phẩm và thương hiệu nào!

Giải pháp ở đâu? Câu hỏi này rất khó để trả lời. Về mặt văn hóa, nếu nói dối hay làm sai mà không cảm thấy xấu hổ thì quả thực, văn hóa đã xuống cấp nếu không muốn dùng những cụm từ nặng hơn. Về mặt xã hội, không thể để luật pháp “bất lực” bởi các chế tài lỏng lẻo. Luật chơi phải có trước thì trò chơi mới vận hành suôn sẻ, đúng luật. Đó là nguyên tắc của cuộc đời. Trên thực tế hiện nay, “sân chơi” của nền kinh tế, hoạt động xã hội thay đổi chóng mặt nhưng lại không hề có những quy định rõ ràng. Bài học nhãn tiền là với tội ác cỡ như Vedan, xử đúng với mức độ thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, liên quan đến cuộc sống của hàng vạn con người, hàng chục năm sau, là điều nan giải.

Phải chấm dứt sự hỗn loạn của “văn hóa” đồ giả bằng những động thái kiên quyết, kịp thời. Phải xem xét lại cách chúng ta đang nhìn sự tổn hại của văn hóa bằng con mắt lừng chừng, thỏa hiệp. Tại sao có thể vì cái trước mắt mà bỏ quên cả tương lai bất ổn, nhiều hiểm họa của văn hóa, lối sống và đạo đức?
                                                   
HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.